Bắt đầu bằng những hành động vệ sinh cá nhân thiết thực

25-06-2012 21:33 | Thời sự
google news

Ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730/QĐ-TTg lấy ngày 2/7 hằng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, theo đó, ngày 1/7 tới đây,

(SKDS) –  Ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730/QĐ-TTg lấy ngày 2/7 hằng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, theo đó, ngày 1/7 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại tỉnh Hải Dương. Nhân dịp này, PV báo Sức khỏe& Đời sống đã phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế về những nội dung liên quan đến ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”...

PV: Xin ông cho biết, vì sao ngành y tế lại đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2/7 hằng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”?

 PGS.TS. Nguyễn Huy Nga.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga:
Ngay từ năm 1945, khi bắt đầu thành lập nước đến khi Bác Hồ qua đời, Bác đã có nhiều bài nói, viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Bác cũng đã đưa ra quan điểm “phòng bệnh hơn trị bệnh”.
 
Bác quan tâm đến những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như đảm bảo nước sạch, diệt ruồi, diệt muỗi... Để triển khai tốt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, Bác cũng đã quán triệt việc phát động phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 2/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể nhân dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.

Trong thời điểm hiện nay, việc Bộ Y tế trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý quyết định lấy ngày 2/7 hằng năm, kể từ năm nay là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” không chỉ nhằm kêu gọi về “vệ sinh yêu nước” của Bác mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với việc hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động.

PV:Ngành y tế đã vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai công tác vệ sinh như thế nào, thưa ông?

 Phong trào phụ nữ tự quản giúp đường làng ngõ xóm sạch đẹp.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga:

  Trong suốt thời gian qua, trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành y tế đã vận dụng một cách sáng tạo, khoa học và phù hợp với thực tiễn các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, góp phần làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể. Những phong trào “Ba dứt điểm công trình vệ sinh”, “Sức khỏe cho mọi người”, “Làng văn hóa - sức khỏe” đã được thực hiện thành công và đóng góp rất lớn cho công tác nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm được khống chế hoặc thanh toán như sốt rét, bại liệt, mắt hột, lỵ, thương hàn... Tình trạng dinh dưỡng trẻ em được cải thiện, tuổi thọ nhân dân được nâng cao.

PV: Nhưng thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có không ít khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các phong trào vệ sinh ở nước ta?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga:  Cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, hiện nay môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải trong sinh hoạt, trong sản xuất và phát triển kinh tế như ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, làng nghề, bãi rác...; ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp, do chất thải trong chăn nuôi, chất thải của con người... Tình trạng ô nhiễm này đã tác động không nhỏ đến sức khỏe của mỗi người dân. Thế nhưng trên thực tế, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân hiện vẫn còn hạn chế.
 
Nhiều hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến hệ quả, hiện nay bên cạnh việc chúng ta đang phải vừa giải quyết những dịch bệnh mới phát sinh lại vừa phải chiến đấu với bệnh cũ đang có xu hướng quay trở lại như bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh không nhiễm gia tăng... Do đó, việc khơi dậy và thúc đẩy phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” là việc làm rất có ý nghĩa nhằm huy động các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tham gia công tác vệ sinh để nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân và cộng đồng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 

Năm 2012 là năm đầu tiên ngành y tế phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nơi Bác Hồ đã về nói chuyện với đồng bào, thăm giếng nước, công trình vệ sinh và phát động phong trào vệ sinh). Phong trào nhằm tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các vấn đề như: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, ATVSTP, vệ sinh trong lao động; vận động người dân ở các vùng nông thôn xây dựng các công trình vệ sinh sạch, khép kín..., để không chỉ phòng chống dịch bệnh mà còn giúp người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành hơn... Cùng với lễ phát động được tổ chức tại Hải Dương, ngành y tế sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ đại diện cho 3 miền tổ chức lễ phát động hưởng ứng phong trào.

       Thái Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn