Hà Nội

Bất chấp đại dịch, bất động sản phía Nam vẫn hút đầu tư

24-09-2021 21:02 | Thị trường
google news

SKĐS - Trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4, Việt Nam tiếp tục có các khu công nghiệp mới được thành lập, một vài dự án công nghiệp trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động.

Bất động sản công nghiệp hưởng lợi tích cực

Bất chấp đại dịch, bất động sản phía Nam vẫn hút đầu tư - Ảnh 1.

Trong làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, nhu cầu bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.


Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư có nhu cầu cho thuê đất công nghiệp, nhà máy và kho bãi vì không thể thực hiện các chuyến thăm thực địa tại các tỉnh, địa phương. Nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa duy trì sản xuất được kỳ vọng sẽ giúp sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển.

Theo báo cáo quý II/2021 của JLL Việt Nam, thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Nam (gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An) có tổng diện tích đất cho thuê là 25.220ha. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 85% và nhà xưởng xây sẵn đạt 86%. Điều đó chứng tỏ cả chủ đầu tư và khách thuê đã dần tìm ra được các phương án đồng hành cùng đại dịch để tiếp tục hoạt động.

Ngoài TP.HCM, các khu vực vùng ven khác cũng đang thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đầu năm 2021, Long An đề xuất phát triển khu kinh tế quy mô lớn gần khu Nam TP.HCM. Tới đây có thêm Alibaba, GS Energy, sẽ giúp cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tại đây thêm sôi động.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là điểm sáng nhờ hưởng lợi cơ sở hạ tầng với cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành. JLL ghi nhận đã có nhiều giao dịch được hoàn tất tại Bà Rịa -Vũng Tàu bất chấp đại dịch bùng phát, các thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố kế hoạch xây dựng ba KCN mới, với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết vấn đề quá tải của các dự án đang hoạt động. Cụ thể, dự án gồm: KCN Long Đức 3 có diện tích 253 ha ở xã Long Đức (H. Long Thành); KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp rộng 2.627 ha ở xã Bàu Cạn, Tân Hiệp (H. Long Thành) và KCN Xuân Quế - Sông Nhạn, tại xã Xuân Quế, Sông Nhạn khoảng 3.595 ha (H. Cẩm Mỹ). Ba KCN này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển KCN công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2020, tầm nhìn 2030.

Long An dự kiến sẽ có dự án công nghiệp mới giá trị 59 triệu USD tại huyện Đức Hoà. Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định chủ trương đầu tư dự án KCN Thế Kỷ do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, thực hiện tại xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hoà, phía nam tỉnh Long An. Dự án có quy mô sử dụng đất trên 119 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.355 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định cho phép đầu tư.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Long An, tỉnh dự kiến sẽ có thêm khoảng 1.500 ha diện tích đất giải phóng mặt bằng tại các KCN để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021. Các ngành thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhất là dệt may và hàng may mặc, giày dép, thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, chế biến thực phẩm, đồ uống và sản xuất./.

Báo cáo về bất động sản khu công nghiệp, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, diện tích đất khu công nghiệp ở phía Nam dự kiến sẽ tăng thêm hơn 5.000ha trong giai đoạn 2021-2022 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Đó là nhờ cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh phát triển, với các dự án sắp và đang được triển khai như 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và giai đoạn một của dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Tiềm năng dài hạn

Bất chấp đại dịch, bất động sản phía Nam vẫn hút đầu tư - Ảnh 2.

BĐS khu công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”.


Ông John Campbell - Trưởng Bộ phận BĐS công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư, Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông John Campbell cho biết, giá thuê đất trung bình tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai và Long An thường cao hơn các tỉnh tại khu vực kinh tế phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Giang hay Bắc Ninh. 3 năm trở lại đây, giá đất tại một số khu vực tại phía Nam tăng khá mạnh.

Do tỷ lệ lấp đầy cao tại các dự án công nghiệp tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nên nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Long An để thành lập các trung tâm phân phối và dự án logistics. Ngoài ra, tiềm năng phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu là khá lớn. Tỉnh này đã có một số dự án công nghiệp hoạt động khá tốt.

Ông John Campbell khẳng định, đà tăng trưởng của BĐS công nghiệp hưởng lợi tích cực từ các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) và nguồn cung bất động sản công nghiệp mới.

Đánh giá về dài hạn, ông John Campbell, nhận định, việc đóng cửa các nhà máy sản xuất tại Việt Nam do giãn cách xã hội có thể gây ảnh hưởng nhất định đến đà tăng trưởng chung, tuy vậy, với bất động sản công nghiệp, cần nhìn dài hạn và tin tưởng vào tiềm năng và động lực tăng trưởng của thị trường.

Những yếu tố khiến Việt Nam đang là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới, vẫn được cải thiện liên tục như: nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động năng động.

Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn. Ngay cả trong ngắn hạn đến trung hạn, cũng có rất nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, về dài hạn, khu công nghiệp chất lượng cao sẽ có lợi thế tăng trưởng trong một thị trường sôi động. Việc tích hợp yếu tố nhà ở trong KCN không chỉ đơn thuần ở việc có chỗ nghỉ ngơi cho công nhân, mà nên cung cấp các tiện ích về nhà ở chất lượng, bán lẻ, giáo dục, giải trí, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của công nhân, các chuyên gia, khách thuê.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Thu Nguyễn
Ý kiến của bạn