Những ngày hè tháng 5, theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, tại các tuyến phố lớn của Hà Nội như đường Lê Trọng Tấn, Văn Phú, Dương Nội (quận Hà Đông), đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) và một số địa chỉ khác như đường Tố Hữu, Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); đường Đê La Thành, Nguyên Hồng, Thành Công (quận Ba Đình)... có rất nhiều phương tiện thô sơ, xe ba gác tham gia giao thông.
Thậm chí, nhiều chủ xe chất hàng quá khổ như nhôm kính, biển hiệu, sắt thép, ống nước, đồ dùng đủ mọi loại hàng hóa…. cồng kềnh không khác gì một chiếc xe tải.
Vào buổi sáng sớm, giờ nghỉ trưa hoặc tối, khi lực lượng CSGT vắng bóng, các phương tiện này không có biển số, chất đầy hàng hóa hoạt động nhiều hơn.
Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1370 gửi Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải; UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân xử lý, các phương tiện xe ba gác, xe thô sơ lại tiếp tục hoạt động, né tránh các điểm có lực lượng chức năng như công an giao thông, chốt kiểm tra liên ngành. Bên cạnh đó, thực tế lực lượng chức năng quận, huyện nào làm tốt thì chủ phương tiện dừng hoạt động, hoặc chuyển xe sang địa bàn khác.
Dù đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm như xe ba bánh chở bó thép dài cả chục mét đi ngược chiều và đâm thủng buồng lái xe buýt trên đường Nguyễn Trãi; xe tự chế gây tai nạn rồi bốc cháy trên đường vành đai 2 nhưng những chiếc xe tự chế vẫn hoạt động nhan nhản khiến người tham gia giao thông bất an.
Bà L.T.H người dân sống trên địa bàn phường Mỗ Lao, quận Hà Đông cho biết: "Ngoài việc các xe 3 bánh, tự chế thường sử dụng vận chuyển hàng hóa, đồ dùng cho người dân, tôi thấy mẫu xe tự chế này ngày càng được dùng phổ biến để vận chuyển. Như một số xưởng đá, thay vì vận chuyển xe máy được ít thì nay họ sử dụng xe tự chế, ba bánh này để giao đá vào các nhà hàng, quán bia...".
Anh N.V.H, một người dân sống trên tuyến đường Nguyễn Văn Lộc cũng cho hay: "Tôi thấy các xe chở đá lạnh thường xuyên chạy qua đây với tốc độ cao và chở đá lạnh cho các hàng quán. Đôi khi những chiếc xe này chạy giờ cao điểm dẫn đến tình trạng ùn tắc, gây mất an toàn giao thông".
Ngoài ra, theo người dân, có rất nhiều xe tự chế có hình dạng thô sơ, cũ kỹ, chở đủ loại hàng hóa từ vật liệu xây dựng đến những tấm tôn, thanh sắt dài vượt quá thùng xe, lạng lách trên đường rất nguy hiểm.
Tiếp nhận phản ánh của PV, Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT TP Hà Nội) đã cử lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện xe ba gác, xe tự chế vi phạm.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, từ đầu năm 2023 đến nay đội CSGT số 7 đã xử lý 253 trường hợp xe ôtô, mô tô, xe ba bánh chở hàng hóa quá khổ, quá giới hạn cho phép. Phạt tiền 718.500.000đ đồng; tước GPLX 52 trường hợp.
Đại diện Đội CSGT số 1 cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện kế hoạch của Phòng CSGT Hà Nội, Đội thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường trọng điểm xử lý trường hợp xe máy chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường.
"Mặc dù tình trạng trên có giảm, nhưng tài xế thường lợi dụng thời điểm lực lượng xử lý mỏng để vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, họ tìm mọi cách để né tránh việc xử phạt của lực lượng chức năng", vị đại diện chia sẻ.
Đối với hành vi điều khiển xe tự chế, lắp ráp trái quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, theo quy định tại điểm b Khoản 3, điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.