Những niềm đau...
Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng nỗi ám ảnh với những người dân và du khách ở bãi biển Hàm Tiến (phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) vẫn còn vẹn nguyên. Anh Lê Văn Tác - người dân địa phương cho biết: Mùa mưa ở khu vực này năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn. Có người què chân, chấn thương là bình thường. Nhưng những ngày cuối tháng 8/2019, đồng loạt nhiều du khách bị sóng ập đến cuốn trôi đi rồi chết thảm thì kinh hoàng quá. Hôm đó thời tiết xấu, nếu theo dõi kỹ thì đã tránh được nạn.
4 người tử vong là Nguyễn Thanh Long, Trần Bảo Sơn, Nguyễn Bảo Anh, Nguyễn Thiên Toàn đều đến từ đoàn khách du lịch của TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thoát chết trong gang tấc, Nguyễn Văn Đức chia sẻ trong đau đớn: Đoàn chúng em bữa ấy đều là sinh viên cả, tuổi chỉ 18 - 25 thôi. Tích cóp mãi mới được chuyến du lịch khám phá. Thấy thời tiết hơi âm u nhưng không có bảng cấm ra biển nên vô tư tắm. Bỗng gió mạnh, sóng chồm lên dữ dội, những người có kỹ năng bơi yếu đều không xử trí kịp. Bản thân em phải cấp cứu mới thoát chết.
Trong tháng 8, tại bãi biển Đất Lành (thị xã La Gi, Bình Thuận), đoàn khách du lịch của Công ty SRITHAI Bình Dương cũng đã gặp nạn khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương do tắm biển. Giữa tháng 9, anh Lê Văn Tuấn dẫn nhiều khách Nga đến tắm biển ở Phan Thiết cũng được phen hú vía khi sóng dập cho 2 người chảy máu mũi. Ngày 16/9 được dự báo thời tiết có mưa nhỏ, ông Nguyễn Văn Cường vẫn dẫn người thân đến Phan Thiết tắm biển và bị sóng đánh dập vào bãi đá, xây xước hết chân tay.
Tại các vùng biển ở Khánh Hòa cũng liên tục xảy ra các tai nạn thương tâm. Chủ quan với thời tiết xấu, Nguyễn Văn Trâm (sinh năm 1989, ngụ Bình Dương), Trần Thế Phong (sinh năm 1944, ngụ TP. Nha Trang) và bà Lý Thị Thanh Thủy (sinh năm 1958, trú tại tỉnh Bình Dương) tử nạn giữa biển khơi vì bị lật ghe tại vùng biển Vạn Giã (Khánh Hòa).
Chuyến đi thực tế trải nghiệm của 16 sinh viên Trường ĐH Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh) vào chiều ngày 22/9 ở bãi biển Vạn Thạnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng đã trở thành ngày định mệnh đau đớn. Biển động, sóng lớn nên đang trong lúc vui vẻ tắm biển thì 4 người bị cuốn trôi. Dù nỗ lực vùng vẫy nhưng 2 người đã tử vong, 2 người được cứu trong tình trạng thương tích đầy mình.
Ngay tại các bãi biển trung tâm TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cũng thường xuyên xảy ra các tai nạn với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Anh Cheng Mai (người Đài Loan) vừa lành vết thương vì bị sóng dập vào bãi đá ở khu vực Hòn Chồng hớt hải: Nếu không bơi giỏi thì đã tử vong rồi.
Cả ngày 23/9 thời tiết xấu nhưng các bãi biển chính ở Nha Trang vẫn thưa vắng nhân viên cứu hộ.
Công tác cứu hộ, cảnh báo rất cần sự chuyên nghiệp
Theo BS. Nguyễn Văn Xáng - BVĐK Khánh Hòa: Tháng 9 - 11 là cao điểm mùa mưa ở Khánh Hòa, biển có rất nhiều biến động nên khâu cảnh báo cần được thực hiện cho tốt. Có đợt bệnh viện liên tục cấp cứu cho khách Nga lẫn khách Việt Nam trong tình trạng họ rất hoảng loạn, thương tích nặng.
BVĐK tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, khách gặp thương tích do tắm biển được đưa vào cấp cứu thường xuyên. Các y, bác sĩ phải tuyên truyền thêm và khuyên nhủ người dân lẫn du khách nên cẩn trọng hơn, nhất là khi thời tiết có diễn biến xấu, mưa bão.
Du lịch biển được xem là cỗ máy đẻ ra vàng cho các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận. Vậy nhưng qua các tai nạn đau lòng cho thấy công tác cứu hộ, cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhiều nhân viên cứu hộ biển ở Phan Thiết ngao ngán cho biết: Muốn cứu hộ giỏi phải rèn luyện nhiều kỹ năng khó, sẵn sàng đối chọi với hiểm nguy. Vậy nhưng tiền lương trả cho các nhân viên cứu hộ chỉ dao động ở mức 4-7 triệu đồng/tháng nên ít người mặn mà.
Ngoài các bãi biển công cộng thì còn có các bãi biển thuộc quản lý của các khu du lịch nên Sở VH-TT&DL Bình Thuận đã ban hành công văn khẩn yêu cầu tăng cường trang bị thiết bị cứu hộ, tập dượt kỹ năng cứu người và chống đuối nước ở các bãi biển, tăng cường nhân lực chuyên làm công tác cứu hộ.
Công văn yêu cầu là vậy nhưng theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các bãi biển hút khách du lịch đều lưa thưa nhân viên cứu hộ, thiếu biển cảnh báo. Đặc biệt, phương tiện cứu hộ rất thô sơ, dùng kinh nghiệm kết hợp vài tấm ván bơi, ván lướt là chính. Nhiều khách du lịch ở Phan Thiết khẳng định: Nếu không kịp thời trang bị thêm ca-nô cho các đội cứu hộ thì tai nạn xảy ra còn nhiều.
Là thành phố du lịch nổi tiếng, hút về nguồn thu cho tỉnh Khánh Hòa mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng nhưng lực lượng cứu hộ biển của TP. Nha Trang chưa đến 40 người. Số nhân sự mỏng manh này phải rải ra theo dõi các bãi biển rộng lớn như Ba Làng, Phạm Văn Đồng, Hòn Chồng, Công viên Thanh Niên... nên khó mà kiểm soát tốt được các khâu cảnh báo, cứu hộ. Riêng năm 2018 đến nay, đã có 60 vụ tai nạn, 2 khách Nga tử vong. Con số này còn tăng lên nữa nếu phương tiện cứu hộ lẫn nhân sự không được tăng cường.