Bất cập trong việc kiểm định nước sinh hoạt

16-06-2015 15:03 | Thời sự

SKĐS - Vấn đề kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống đang thực hiện 6 năm qua đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp đối với các địa phương.

Viện trưởng Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, TS Doãn Ngọc Hải phát biểu tại hội thảo

Sáng 16/6, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo “Rà soát và đánh giá tiêu chuẩn hiện hành về chất lượng nước”. Tham dự hội thảo có đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, cơ quan cung cấp nước sạch, đại diện các viện và các trường đại học.... TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, 80% dân số đô thị được cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế và 85 % dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, trong đó 42% theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu và chuyên gia về nước sạch đã tập trung thảo luận, đánh giá để tìm ra những điểm chưa phù hợp về kiểm tra giám sát chất lượng nước ăn uống, nhằm xác định những điểm cần sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng nước hiện hành kết hợp với kế hoạch cấp nước an toàn, giảm thiểu những tác động gây ra cho sức khỏe cộng đồng, các bệnh lây truyền qua đường nước....

TS Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phát biểu khai mạc. Ảnh : HY

TS Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phát biểu khai mạc. Ảnh : HY

Hiện nay Việt Nam đang áp dụng QCVN 01:2009/BYT quy định chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành với 109 chỉ tiêu. Đây là căn cứ để các cơ sở cung cấp nước và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm soát chất lượng nước, đảm bảo cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt an oàn đối với sức khỏe người dân. Tuy nhiên sau 6 năm thực hiện tại nhiều địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập như có nhiều chỉ tiêu không cần thiết, hay địa phương không đủ năng lực phân tích tất cả các chỉ tiêu quy định....

Ví dụ như tại Thừa Thiên Huế, theo khảo sát, tại các cơ sở cung cấp nước cho biết, có tới 38 chỉ tiêu trên tổng số 109 chỉ tiêu quy định không hề thay đổi trong suốt 15 năm qua. Vậy mà họ vẫn phải tiến hành kiểm tra, giám sát, gây lãng phí nguồn lực không nhỏ. Việc áp chỉ tiêu kiểm tra giám sát đồng nhất ở tất cả các địa phương là không phù hợp. Theo Ths Lê Thái Hà, Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường nêu ví dụ có những quốc gia trên thế giới họ đưa ra một nhóm chỉ tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và bắt buộc tất cả các địa phương phải thực hiện. Nhưng tùy vào tình hình địa chất, địa lý, khí hậu, hay việc tiếp cận nguồn nước ở mỗi nơi, họ đưa thêm các chỉ tiêu xét nghiệm phù hợp ở mỗi nơi đó. Bà Hà cũng nhận định, ví dụ ở Hà Nội, nơi sử dụng nước chủ yếu từ nguồn nước ngầm, cần xét nghiệm hàm lượng kim loại, asen trong nước thường xuyên hơn. Hay ở những nơi dùng nguồn nước bề mặt làm nguồn cung cấp chính cho sinh hoạt, cần xét nghiệm giám sát nguồn ô nhiễm hữu cơ....

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng việc kiểm soát, giám sát chất lượng nước vô cùng quan trọng để đảm bảo cho người dân có nước an toàn về chất và lượng phòng tránh dịch bệnh và nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm.

PV

 


Ý kiến của bạn