Hà Nội

Bắt buộc có ghế an toàn để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

14-05-2024 13:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.

Hà Nội: Thêm xe ô tô bị "sập bẫy" khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu GiấyHà Nội: Thêm xe ô tô bị 'sập bẫy' khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu Giấy

SKĐS - Những ngày qua, khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu Giấy, một xe taxi thương hiệu Xanh SM đã bất ngờ bị rơi một bánh xe xuống hố ga lộ thiên.

Trẻ em ngồi trên ô tô phải có thiết bị an toàn

Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Một trong những nội dung mới của hai dự thảo luật này, tiệm cận với quy định của các quốc gia tiên tiến, đó là yêu cầu xe ôtô phải có "hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ôtô chở người đến 9 chỗ" (Điều 49 dự thảo Luật Đường bộ) và "trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ôtô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em" (Điều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ).

Bắt buộc có ghế an toàn để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông- Ảnh 2.

Cần thiết phải quy định lắp ghế an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Theo đánh giá của các chuyên gia an toàn giao thông, trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ. Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như: nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, nên quy định rõ việc cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế) và trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Quy định về tuổi bảo đảm tính dễ thực thi và mang tính giáo dục cao (do bố mẹ luôn biết tuổi con), chọn mức 10 tuổi là mức tiên tiến trên thế giới. Lực lượng chức năng có thể dùng cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định độ tuổi trong trường hợp cần xác minh.

Đề xuất chỉ quy định với xe con cá nhân là hợp lý, vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ, người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này. Đối với các loại xe vận tải công cộng, khuyến khích nhưng không bắt buộc vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, và có thể gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em.

Tuy nhiên, có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ ở độ tuổi này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng quy định chỉ áp dụng trong trường hợp "không có người lớn ngồi cùng" như dự thảo là hợp lý. Việc bắt buộc lái xe lắp thiết bị an toàn khi chở trẻ nhỏ kể cả khi có người lớn ngồi cùng sẽ là cứng nhắc. Người ngồi cùng có thể ôm trẻ nhỏ vào lòng và nhắc nhở trẻ lớn hơn về tư thế ngồi trên xe. Ngoài ra ông Quyền đề nghị cơ quan chức năng làm rõ tiêu chuẩn thiết bị an toàn được dùng cho trẻ em trên ôtô như dây an toàn, ghế, đệm trên máy bay. 

Cần sớm có chuẩn ghế, dây an toàn trên ô tô

Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho thấy, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1,1% và Đà Nẵng là 0%. Hầu hết người dùng thiết bị an toàn cho trẻ là do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài. Về mặt kinh tế, báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, chi phí một thiết bị an toàn dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/thiết bị, tương đương với 0,5% so với chi phí mua xe ô tô con tầm trung trên thị trường. 

Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam. Đặc biệt, quy định trên sẽ ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng.

Một vấn đề là cần có quy định chuẩn cho thiết bị ghế an toàn. Hiện nay, chỉ với một cú click tìm kiếm là xuất ma trận thông tin về thiết bị ghế an toàn cho trẻ em. Chắc chắn không phải bố mẹ nào cũng có thể chọn được một thiết bị đạt chuẩn, chưa nói đến yếu tố phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Do vậy, một số chuyên gia cho rằng, đây là nội dung cần sớm được quy định, bởi tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn giao thông của nước ta hiện đã phát triển khác rất nhiều so với các đây 14 năm, khi mà Luật Giao thông đường bộ 2008 ban hành. Tốc độ tăng trưởng phương tiện ô tô tăng trung bình 10%/ năm, nhu cầu và khả năng sở hữu ô tô ngày càng tăng, đòi hỏi có quy chuẩn thiết bị ghế an toàn càng bức thiết. Khi có quy chuẩn, cùng với những hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn của thiết bị an toàn trên phương tiện phụ huynh sẽ dễ dàng chọn lựa được thiết bị đạt chuẩn cho con em mình.

Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn.

Nguy cơ chấn thương sẽ giảm đối với trẻ em ngồi ghế sau trong trường hợp có dùng và không dùng thiết bị an toàn. Cụ thể, với trẻ em không dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn, nguy cơ này giảm 14%.

Đi ngược chiều trên cao tốc, người đi xe máy tử vong tại chỗ sau va chạm với ô tôĐi ngược chiều trên cao tốc, người đi xe máy tử vong tại chỗ sau va chạm với ô tô

SKĐS - Không chỉ đi ngược chiều trên cao tốc, tài xế xe máy còn đi vào làn đường dành cho ô tô di chuyển tốc độ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 13/5: Nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn.


Tô Hội
Ý kiến của bạn