Bất bình đẳng xã hội - Một tác nhân giết người

11-09-2008 10:45 | Quốc tế

Sự bất bình đẳng xã hội đang “giết người trên một quy mô lớn”, một báo cáo được công bố cuối tháng 8 vừa qua của Tổ chức Y tế Thế giới đã phải báo động như vậy. Báo cáo này cũng khuyến cáo các quốc gia nên xây dựng một hệ thống y tế được trả tiền bằng ngân sách công.

Sự bất bình đẳng xã hội đang “giết người trên một quy mô lớn”, một báo cáo được công bố cuối tháng 8 vừa qua của Tổ chức Y tế Thế giới đã phải báo động như vậy. Báo cáo này cũng khuyến cáo các quốc gia nên xây dựng một hệ thống y tế được trả tiền bằng ngân sách công.

Tuổi thọ trung bình của một trẻ sơ sinh ở ngoại ô Glasgow, thành phố lớn nhất của Scotland thuộc Anh quốc, một nước giàu, thấp hơn mức 28 tuổi của một đứa trẻ khác sinh cách đó chỉ 13km. Tuổi thọ trung bình của một trẻ sơ sinh ở Lesotho cũng thấp hơn rất nhiều mức 42 tuổi của một trẻ ở Nhật Bản. Tại Thụy Điển, tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi mang thai và sinh con là 1/17.400 trong khi đó, tỷ lệ này ở Afghanistan là 1/8. Những con số nói trên cho thấy một tình trạng bất bình đẳng đáng sợ đang tồn tại trên hành tinh của chúng ta.

 Chăm sóc sức khỏe phải là một phúc lợi công cộng chứ không được phép biến thành một thứ hàng hóa (Nguồn taylor.org).
 
Sự khác biệt này không thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sinh học bởi lẽ nó không phải chỉ tồn tại giữa các quốc gia mà còn trong nội bộ một nước. Chỉ có thể giải thích nó bằng môi trường xã hội mà người ta sinh ra, lớn lên, lao động và già đi. Đây cũng là chủ đề của một nghiên cứu do Ủy ban của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành: tác động của các nhân tố xã hội đến sức khỏe của con người. Ủy ban này có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu thuộc giới đại học, các chính trị gia và cả một số cựu Bộ trưởng y tế. Micheal Marmot, Chủ tịch ủy ban nói trên đã nhấn mạnh: “Giảm thiểu sự bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế là một đòi hỏi có tính đạo đức. Sự bất bình đẳng đang giết người trên một quy mô lớn”.

Có một mối liên hệ trực tiếp giữa thu nhập và sức khỏe. Đó là một hiện tượng phổ biến toàn cầu, không chỉ ở các quốc gia nghèo mà cả ở các quốc gia giàu. Cụ thể là ở Mỹ, hàng năm, 886.202 người sẽ không phải chết nếu tỷ lệ tử vong là tương đương ở nhóm người Mỹ gốc Phi và nhóm người Mỹ da trắng. Và nếu như sự tăng trưởng kinh tế có thể làm cho thu nhập quốc dân của một số quốc gia tăng lên thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc tình trạng chăm sóc sức khỏe người dân nói chung được cải thiện. Thậm chí tăng trưởng còn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Điều cốt yếu là phải có những chính sách “phân phối một cách công bằng quyền lực, tiền bạc và tài nguyên” của một quốc gia.

Theo WHO, các chính sách y tế mà phần lớn các nước hiện nay đang theo đuổi đều không thích hợp. “Hệ thống y tế hiện nay không phát triển một cách tự nhiên hướng đến sự công bằng. Cần phải có một nỗ lực đặc biệt để phân tích tất cả những nhân tố chi phối sự phát triển của hệ thống y tế, đặc biệt là các nhân tố bên ngoài hệ thống (các nhân tố xã hội) để tái định hướng chúng”, bà Margaret Chan, Giám đốc WHO đã nhấn mạnh như vậy. Đề xuất “một hệ thống y tế do công quỹ trả tiền”, WHO khuyến nghị các quốc gia nên có một khoản thuế chung hoặc một thứ bảo hiểm tổng thể và có tính bắt buộc. Tuy vậy, điều đó chỉ có thể đạt được với một ý chí chính trị mạnh và một hệ thống y tế được trả tiền bởi các khoản thuế lũy tiến. “Sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cần phải là một mục tiêu nền tảng của sự phát triển và sự chăm sóc sức khỏe phải là một phúc lợi công cộng chứ không được phép biến thành một thứ hàng hóa”.

Báo cáo của WHO cũng cho thấy sự giàu có của một quốc gia không phải là nhân tố duy nhất quyết định chất lượng của hệ thống y tế. Việc so sánh giữa các quốc gia cho thấy sự giàu có không phải là nhân tố duy nhất quyết định chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuba, Costa Rica, bang Kerala của Ấn Độ và Srilanka là những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân rất tốt lại không phải là những nước có thu nhập quốc gia cao. Còn có những ví dụ khác cho thấy những nước nghèo nếu có một chính sách tốt có thể cải thiện một cách đáng kể chất lượng của hệ thống y tế. Ở Ai Cập, tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm một cách ngoạn mục trong vòng 30 năm từ 235 ca xuống còn 33 ca trên 1.000 trẻ. Ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha, tỷ lệ này đã giảm từ 50 ca trên 1.000 trẻ xuống gần bằng mức của Nhật Bản hay Thụy Điển.

Có rất nhiều đánh giá khác nhau về bản báo cáo này, nhưng cơ bản đều thống nhất sự bất bình đẳng xã hội chính là tác nhân cướp đoạt cơ hội sống của con người. Và lời nhắc nhở của WHO về việc “chăm sóc sức khỏe phải là một phúc lợi công cộng chứ không được phép biến thành một thứ hàng hóa” chắc chắn sẽ có ích cho nhiều quốc gia.

(Theo Le Point, L’Express)

Lương Xuân Hà


Ý kiến của bạn