“Bắt bệnh” phim về hôn nhân - gia đình

18-10-2019 07:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Phim truyền hình nước ta thời gian gần đây đang tạo dấu ấn đậm nét bởi nhiều tác phẩm gần hơn với thực tế, đặc biệt đề tài gia đình, hôn nhân được các nhà làm phim khai thác sâu, đa chiều.

Tuy nhiên, phim về hôn nhân và gia đình dù tạo ra nhiều cảm xúc cho khán giả, nhưng một số tác phẩm có dấu hiệu bi kịch hóa quá đà khiến người xem không khỏi e ngại.

Nở rộ, hút người xem

Vài năm trở lại đây cũng như hiện tại, phim truyền hình Việt về đề tài hôn nhân - gia đình đến với khán giả liên tục, nhiều tác phẩm để lại dấu ấn và tạo nên cơn sốt với người xem. Mưa bóng mây, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ, Sống chung với mẹ chồng, Sóng ngầm, Bánh đúc có xương..., gần đây có Nàng dâu Order, Về nhà đi con và hiện tại đang tạo cơn sốt với khán giả là phim Tiếng sét trong mưa, Hoa hồng trên ngực trái.

Điểm chung của những bộ phim trên là đã khai thác và diễn đạt cuộc sống hôn nhân, gia đình một cách chân thực, gần gũi với thực tế xã hội bằng những chi tiết chạm đến trái tim khán giả. Vì thế, những bộ phim truyền hình về đề tài này nhanh chóng tạo nên cơn sốt và hút người xem, trở thành món ăn tinh thần đối với khán giả mỗi khi thưởng thức phim Việt trên sóng truyền hình. Có thể nói, các bộ phim truyền hình khai thác các mối quan hệ trong gia đình, những vấn đề về ứng xử, hạnh phúc - hôn nhân gia đình, sự khác biệt giữa các thế hệ dưới một mái nhà đã, đang giành được thiện cảm từ phía khán giả.

Bằng cách nhìn của nghệ thuật thứ bảy, các đạo diễn và nhà làm phim đã khai thác, phản ánh ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau về hôn nhân, gia đình Việt trong các tác phẩm. Xem những bộ phim Hôn nhân trong ngõ hẹp, Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt, Cả một đời ân oán, Bánh đúc có xương..., khán giả như bắt gặp đâu đó những tình huống, câu chuyện từng xảy ra trong gia đình mình. Để rồi từ đó, những bài học về cách đối nhân xử thế, cách giải quyết mâu thuẫn trong một gia đình trong phim trở thành kinh nghiệm hoặc cẩm nang quý cho bất kỳ ai cũng có thể tham khảo.

“Bắt bệnh” phim về hôn nhân - gia đìnhHoa hồng trên ngực trái - phim về đề tài gia đình, hôn nhân đang được khán giả quan tâm.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đề tài phim gia đình luôn giàu sức sống và sẽ luôn giàu sức sống với khán giả đại chúng. Nó cũng cho thấy sự chú trọng ngày càng nhiều của xã hội đối với sự bền vững của gia đình - tế bào xã hội. Đời sống xã hội càng xô bồ, hối hả thì tự khắc càng nhiều khán giả sẽ tìm về những khoảnh khắc bình yên trong những bộ phim gia đình, hôn nhân. Nhà văn Y Ban cũng cho rằng, gia đình là mảng đề tài thân thuộc, dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể xem được và đều ít nhiều tìm thấy mình trong đó. Phim Việt sẽ hút khách nếu chúng ta vừa phản ánh được hiện thực đa chiều của đời sống vừa đưa ra được những cảnh tỉnh với người xem. Thông qua những thước phim ấy, người ta phải soi chiếu lại mình, nhìn vào gia đình mình để điều chỉnh và thay đổi.

Bi kịch hóa quá đà?

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực phim về đề tài hôn nhân, gia đình đã đạt được thì dòng phim này có dấu hiệu bi kịch hóa. Đang tạo sự chú ý với khán giả là phim truyền hình Hoa hồng trên ngực trái (đạo diễn Vũ Trường Khoa), nội dung xoay quanh mâu thuẫn vợ - chồng - người thứ 3, mẹ chồng - nàng dâu, có nhiều tình huống đau thương và bi kịch được đẩy đến cao trào. Bên cạnh việc đem lại cảm xúc, đôi khi lấy được nước mắt người xem, Hoa hồng trên ngực trái dường như đã tập hợp những nỗi thống khổ nhất trong cuộc đời người phụ nữ có thể xảy ra với nhân vật Khuê và San. Khuê bị chồng phụ bạc, đẩy ra đường, khi ly hôn lại phát hiện mang thai. San bị mẹ chồng hành hạ đến mức vô sinh nên đầy màu sắc u ám, ảm đạm, không lối thoát. Chính vì thế, bộ phim này hiện được nhiều người đánh giá trên trang fanpage là bi kịch hóa vấn đề khiến đời sống hôn nhân trong xã hội hiện đại trở nên méo mó, xấu xí. Xem Hoa hồng trên ngực trái, những người phụ nữ độc thân sợ mất vía không dám lấy chồng bởi có thể bản thân gặp phải hoàn cảnh như nhân vật Khuê và San.

Về nhà đi con khép lại gần đây dù tạo nên cơn sốt với người xem nhưng nếu tinh ý sẽ nhận thấy phim có sự bi kịch hóa gia đình, chuyện hôn nhân, đặc biệt là cuộc hôn nhân theo “hợp đồng” của Thư và Vũ, nhiều tình tiết thiếu logic, thậm chí có chi tiết chỉ có trong phim. Hôn nhân của hai nhân vật này là một bi kịch theo kiểu “tiền” đè “tình”. Trong khi đó, nhân vật Huệ kết hôn với Khải nhưng sau đó tan vỡ. Những phân cảnh của gia đình Huệ là những cuộc cãi vã đầy căng thẳng, là sự ghen tuông thái quá và hình ảnh Khải cục cằn, thô lỗ, vũ phu, thậm chí vô lễ với bố vợ. Trong phim Mưa bóng mây (đạo diễn Trọng Trinh), nhân vật Nga khi biết tin bị chồng “cắm sừng” nhanh chóng sụp đổ, bất mãn, cay đắng. Cô lao mình vào những cơn mưa bóng mây đầy tội lỗi để trả thù chồng. Nga nghĩ sự trả thù sẽ giúp cô hả giận, nhưng rốt cuộc, sự trả thù chỉ càng khiến cuộc sống, tình yêu của cô bị hủy hoại nhiều hơn. Bi kịch ấy có phần bị đẩy đi quá xa khiến Mưa bóng mây không tránh khỏi sự mất điểm nơi khán giả.

Bởi thế, để chỉn chu và có sự lan tỏa hơn nữa, nhiều người hy vọng giới làm nghề sẽ lắng nghe những ý kiến phản hồi của khán giả, tránh những nhàm chán và bi thương quá mức trong các bộ phim về gia đình, hôn nhân thời hiện đại.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn