“Bắt bệnh” phim bom tấn Việt

13-04-2018 16:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những năm gầy đây thật sự là giai đoạn khá thất vọng với các bộ phim bom tấn Việt. Nhiều bộ phim bị đánh giá chất lượng cực thấp, một số thì doanh thu thất bát đến mức không đủ đề bù lỗ cho kinh phí sản xuất cùng với số tiền quảng cáo quá cao.

Số tiền chi ra cho các phim bom tấn đều ở con số bạc tỷ nhưng thu lại không được bao nhiêu. Vì sao nỗ lực của các nhà làm phim thích “chơi lớn” vẫn chưa được đền đáp?

Chưa đáp ứng thị hiếu khán giả?

Nhìn lại chặng đường của các bom tấn điện ảnh Việt, bắt đầu từ Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn (2006) đến Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ (2012), Lửa phật của Dustin Nguyễn (2013) và mới đây là Lôi Báo cũng của Victor Vũ (2017), khán giả có thể dễ dàng nhận ra một kết cục chung cho tất cả các bom tấn giả tưởng kể trên đều là thất thu tại phòng vé. Người ta có thể đổ lỗi rằng ở thời kỳ đó thị trường điện ảnh Việt còn non nớt, khán giả chưa có thói quen móc hầu bao ra rạp và nạn sao chép đĩa lậu hoành hành quá khủng khiếp. Nhưng ngày nay khi nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người Việt cùng hệ thống rạp chiếu đã phát triển lên gấp hàng chục lần so với 10 năm trước, bom tấn Việt vẫn lỗ. Điểm qua những cái tên có mặt trong “câu lạc bộ trăm tỷ” của lịch sử phòng vé Việt Nam như Để Hội tính, Em là bà nội của anh, Em chưa 18 đều là các phim thuộc thể loại hài, lãng mạn, chứng tỏ thị hiếu của khán giả Việt vẫn ưa chuộng kiểu phim nhẹ nhàng dễ xem. Hay nói đúng hơn là những bộ phim kiểu này nếu có “lỗi lầm” cũng dễ được bỏ qua, chỉ cần thỏa mãn được yếu tố giải trí đơn thuần.

Các tác phẩm bom tấn Việt thường bị nhận xét là vụng về về kỹ xảo, yếu ớt về kịch bản, sáo rỗng về thông điệp và sơ sài về chi tiết.

Các tác phẩm bom tấn Việt thường bị nhận xét là vụng về về kỹ xảo, yếu ớt về kịch bản, sáo rỗng về thông điệp và sơ sài về chi tiết.

Bên cạnh đó, các tác phẩm bom tấn Việt thường bị nhận xét là vụng về về kỹ xảo, yếu ớt về kịch bản, sáo rỗng về thông điệp và sơ sài về chi tiết. Ngay cả khi các đạo diễn Việt kiều đã mang cách làm phim tương đối bài bản về Việt Nam và nhiều công ty trong nước đủ trình độ gia công kỹ xảo cho các bom tấn Hollywood nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để cứu cánh cho phim Việt. Có thể nói, ấn tượng xấu về bom tấn hành động Việt đã hằn sâu vào thói quen tiêu dùng của khán giả xem phim cùng với việc thể loại này cũng chưa thực sự có đột phá tạo nên tình trạng càng làm càng lỗ dù đầu tư lớn. Trên nhiều mặt, các bom tấn điện ảnh Việt chưa “có cửa” để đạt thành công kể cả nếu đặt ở quy mô nhỏ của riêng thị trường nội địa.

Có lẽ “bom tấn Việt” chỉ là một cách gọi cho vui về những bộ phim có kinh phí lớn, ê-kíp tên tuổi và thể loại vốn xa lạ với điện ảnh Việt như hành động, sử thi, giả tưởng hay thần thoại. Nhưng tại sao “bom tấn Việt” luôn thất bát và chưa có một bộ phim nào thành công tại phòng vé?

Những nguyên nhân dễ hiểu

Trước khi công chiếu ở Việt Nam, Quyên gây chú ý khi tham gia nhiều Liên hoan phim danh giá ở châu Âu. Bộ phim có thế mạnh ở phần hình ảnh tuyệt đẹp, được quay chỉn chu ở Đông Âu, ngốn của nhà làm phim số tiền lên đến 22 tỷ. Tuy vậy, doanh số mà Quyên thu về ở Việt Nam không đáp ứng mong đợi của ê-kíp làm phim. Không công bố con số doanh thu cụ thể nhưng hãng phát hành cho biết bộ phim lỗ nặng, thậm chí họ còn không thể ngờ doanh số lại thấp đến vậy. Lý do chính là vì Quyên kể về số phận những người nhập cư trái phép - một chủ đề nặng nề và xa lạ với khán giả trong nước. Giới hạn độ tuổi 18 cũng một phần khiến doanh thu phim ảnh hưởng.

Là bộ phim giả tưởng đầu tiên ở Việt Nam của đạo diễn Dustin Nguyễn, Lửa Phật được đầu tư mức kinh phí khá lớn là 15 tỷ. Nhưng cũng chung số phận với nhiều bộ phim khác, Lửa Phật chỉ thu về khoảng trên 4 tỷ đồng, một con số mà nhà sản xuất đến giờ này vẫn không dám nhắc lại. Công bằng mà nói thì Lửa Phật không phải là một bộ phim tệ, được đầu tư kỹ lưỡng với những cảnh quay đẹp, những màn hành động đúng chất, hoành tráng. Nhưng do văn hóa phim chưa phù hợp, kịch bản còn nhiều chỗ chưa tốt. Đặc biệt là hiệu ứng chê bai, tẩy chay lan nhanh trên các mạng xã hội đã góp phần lớn “giết non” bộ phim.

Thất bại của Bụi đời chợ Lớn không chỉ dừng lại ở việc thua lỗ doanh thu mà còn bi thảm hơn khi phim bị Cục Điện ảnh tuýt còi, không qua được kiểm duyệt để ra mắt dù đã cận ngày công chiếu. Lý do đưa ra cho việc cấm chiếu Bụi đời chợ Lớn là “không phản ánh đúng hiện thực xã hội”.

Dự án phim cổ trang hoành tráng Thiên mệnh anh hùng được đầu tư tới 25 tỷ đồng cho những cảnh quay tráng lệ, cung điện nguy nga và y phục cầu kỳ. Có thể nói, chưa có bộ phim cổ trang nào của điện ảnh Việt lại được thực hiện tốt như Thiên mệnh anh hùng. Không chỉ cảnh quay đẹp đến choáng ngợp mà dàn diễn viên cũng rất thu hút, âm nhạc tốt, võ thuật ổn, câu chuyện có sức hút. Tuy nhiên khi ra rạp, bộ phim không gặt hái thành công như mong đợi. Nhà phát hành phim chia sẻ con số thua lỗ lên đến 17 tỷ đồng.

Là bộ phim thuộc đề tài hành động, xã hội đen nhưng do ra mắt không đúng thời điểm, cùng lúc với bom tấn 3D đầu tiên trong lịch sử là Avatar và giới hạn độ tuổi xem nên Bẫy Rồng mau chóng lọt vào danh sách kém may mắn. Số tiền đầu tư cho dự án điện ảnh này là 1,5 triệu USD, nhưng khi ra rạp, phim chỉ thu về chưa đến 500.000 USD (11,9 tỷ đồng).

Ra mắt vào năm 2007, Dòng máu anh hùng là một bước đột phá lớn của phim điện ảnh Việt. Phim được đầu tư công phu từ hình ảnh đến nội dung, âm thanh, hiệu ứng, những màn võ thuật, hành động chân thực không thua kém bất cứ tác phẩm nước ngoài nào. Tuy nhiên, thành công của Dòng máu anh hùng chỉ dừng lại ở việc góp mặt tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế. Còn doanh thu của bộ phim tại thị trường Việt Nam chỉ ở mức 7 tỷ đồng, so với con số bỏ ra là 1,5 triệu USD. Thất bại nặng nề về doanh thu đã khiến diễn viên Chánh Tín - nhà sản xuất bộ phim phải phá sản, lao đao vì vỡ nợ. Cho đến hiện tại, Dòng máu anh hùng vẫn là một biểu tượng khó vượt qua của dòng phim võ thuật ở Việt Nam. Thế nhưng, mỗi khi nhắc lại, khán giả vẫn phải tiếc thương về cú “ngã ngựa” quá nặng nề của bộ phim chỉ vì ra mắt ở thời điểm hệ thống rạp chưa nhiều và thói quen xem phim của giới trẻ cũng không phổ biến.

Điểm qua một số phim bom tấn Việt kể trên để thấy rằng thực tế Việt Nam không hề thiếu chất liệu văn hóa để khai thác. Nếu khéo léo, thậm chí đây có thể là yếu tố gây nên tiếng vang cho tác phẩm như Cô Ba Sài Gòn vừa làm được với hình tượng áo dài. Khán giả vẫn đang mong chờ được thấy những nét văn hóa thật đậm đà trong bom tấn điện ảnh Việt. Suy cho cùng, chặng đường của các nhà làm phim Việt còn rất dài, họ không thể trông chờ vào thị hiếu khán giả thay đổi hay những cơ chế bênh vực phim trong nước, vấn đề là họ có dám mạnh dạn đổi thay và nâng cao chất lượng tác phẩm hay không.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn