Hà Nội

Bắt 3 đối tượng liên quan sản xuất, sử dụng bánh socola chứa cần sa

03-07-2019 07:31 | Pháp luật
google news

SKĐS - Được một người đàn ông ngoại quốc cho ăn thử bánh chứa ma túy cần sa và bày cách làm bánh, Đạt đã mua cần sa của người này rồi sản xuất thành bánh socola đem đi bán.

Theo thống kê chưa đầy đủ, qua 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng tại TP. Hà Nội đã phát hiện và xử lý khoảng 150 vụ việc liên quan đến hành vi mua, bán trái phép, tàng trữ, sử dụng cần sa.

“Chế” bánh socola chứa cần sa sau khi được một người ngoại quốc cho ăn thử

Ngày 2/7, thông tin từ Cơ quan CSĐT - Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trương Thế Đạt (SN 1998 trú tại Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh) và Tô Minh Long (SN 2000 trú tại Hà Nội) để điều tra làm rõ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, cả 2 đối tượng này đều đang là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội. Trước đó, qua công tác nắm tình hình, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Bắc Từ Liêm nắm được thông tin đối tượng công khai chào bán “bánh cần sa” qua mạng xã hội. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chiều 13/5, tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện nghi vấn và kiểm tra 3 đối tượng đang có hành vi trao đổi, mua bán một hộp bánh “socola”. Qua đấu tranh, Cơ quan Công an xác định người giao hàng là Tô Minh Long; khách nhận hàng là Nguyễn Đình T.; còn một thanh niên đi cùng là bạn của T.

Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm lấy lời khai Trương Thế Đạt.

Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm lấy lời khai Trương Thế Đạt.

Tại cơ quan Công an, Tô Minh Long khai nhận mang số bánh “socola” này từ nhà Trương Thế Đạt để đi giao cho Nguyễn Đình T. với giá 540 nghìn đồng. Căn cứ lời khai của Long và tài liệu thu thập, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập Đạt để làm rõ. Qua đấu tranh, Đạt thừa nhận đưa số bánh có chứa ma túy cần sa trên cho Long để đi “ship” cho khách. Đồng thời, Đạt tự nguyện giao nộp cho cơ quan công an các hộp, túi giấy chứa tổng cộng 330 viên “bánh” màu xanh, màu nâu. Qua kiểm tra, trong các viên bánh trên đều có chứa ma túy (chất Delta9 -Tetrahydrocanabinol - thành phần chính của cần sa), tổng khối lượng tinh chất là 1.830,07 gam; đồng thời thu giữ 1 chiếc cân điện tử phục vụ quá trình “sản xuất”, buôn bán bánh chứa cần sa.

Đạt khai nhận, khoảng cuối tháng 3/2019, trong khi đến phố Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm (Hà Nội) chơi, Đạt gặp một người đàn ông ngoại quốc và được người này cho ăn thử một miếng bánh chứa ma túy cần sa. Sau đó, Đạt kết bạn trên mạng xã hội với người đàn ông này. Người đàn ông nói miếng bánh Đạt ăn có một chút “bơ sáp” (cần sa) giúp hưng phấn, thậm chí còn có thể chữa bệnh tiền đình. Sau đó, khoảng giữa tháng 4/2019, Đạt đặt mua 700g “bơ sáp” có chứa chất ma túy của người đàn ông trên với giá 2 triệu đồng và người này chuyển cho Đạt 7 túi giấy, bên trong mỗi túi là 1 bánh chứa ma túy cần sa. Sau khi có được số nguyên liệu này, Đạt trộn với socola, đun nấu pha chế, đổ ra các khay, cắt thành các viên “bánh” hình vuông, cho vào tủ lạnh định hình, sau đó gói vào các hộp, túi giấy để bảo quản, vừa sử dụng dùng dần, vừa giao bán cho những người có nhu cầu thông qua trang Facebook cá nhân ảo.

Những chiếc bánh socola chứa cần sa.

Những chiếc bánh socola chứa cần sa.

Tác hại khôn lường khi lạm dụng cần sa

Theo chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Bắc Từ Liêm, việc các đối tượng điều chế ma túy cần sa dưới dạng thực phẩm - những viên bánh socola như trên rất tinh vi. Nếu nhìn mắt thường khó phát hiện bên trong chứa thành phần ma túy, bởi vậy rất dễ qua mặt các cơ quan chức năng. Theo thống kê chưa đầy đủ, qua 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng tại TP. Hà Nội đã phát hiện và xử lý khoảng 150 vụ việc liên quan đến hành vi mua, bán trái phép, tàng trữ, sử dụng cần sa. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy (chiếm tới 70 đến 80 vụ). Trong số này, đối tượng sử dụng từ 18 đến 24 tuổi. Lý giải điều này, Công an Hà Nội cho biết, do những quận này tập trung nhiều học sinh, sinh viên; đồng thời mua, bán cần sa ở đây giá rẻ, tiện lợi.

Theo các nghiên cứu cho thấy, cần sa có khả năng gây nghiện (thói quen sử dụng thường xuyên và ngày càng sử dụng nhiều hơn). Sự giảm sút liều lượng hoặc dừng sử dụng của một người dùng cần sa hằng ngày có thể kéo theo những triệu chứng như khó chịu, lo lắng, mất khoái cảm, đau đầu, không cảm thấy thoải mái, khó ngủ và thèm muốn tái sử dụng cần sa (trong khoảng thời gian từ 1 tới 6 tuần sau khi dừng sử dụng). Lạm dụng cần sa sẽ gây ra rất nhiều tác hại cho xã hội, gia đình và chính bản thân người sử dụng. Cần sa gây tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ảo giác rất nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dẫn đến các hành vi như chém giết người khác, tự chém bản thân hoặc tự tử. Do cần sa có tính kích thích mạnh nên khi sử dụng làm cho con người không có cảm giác đau đớn, rơi vào trạng thái mơ mộng ảo huyền nhưng khi hết tác dụng bản thân lại trở nên yếu ớt, mệt mỏi và suy nhược thần kinh, suy dinh dưỡng,... Cùng với đó, cần sa có tính gây nghiện rất cao, tính chất gây nghiện của cần sa cũng giống như heroin, người sử dụng càng ngày càng muốn tăng liều.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn