Cơ quan chức năng đã cảnh báo rất nhiều về những dấu hiệu lừa đảo và nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn khi thanh toán, đầu tư, kinh doanh tiền điện tử (bitcoin). Cùng đó là những nguy cơ mất an toàn dữ liệu, ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Nhóm đối tượng dùng tiền ảo bitcoin lừa lấy tiền thật
Ngày 27/11, Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã bắt 3 đối tượng là Thân Thị Toan (50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang); Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú tại tổ 8, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, trú ở Tòa nhà Ruby 2, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) vì có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền “ảo” bitcoin. Bước đầu đấu tranh, các đối tượng thừa nhận có cấu kết với nhiều đối tượng khác tạo ra một trang web liên quan đến đồng tiền ảo để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia. Trước đó, Cơ quan ANĐT nhận đơn của bà Đỗ Thị Nhường (ở xã Tân Tiến, TP. Bắc Giang) tố cáo Thân Thị Toan có hành vi lừa đảo. Cụ thể, bà Nhường đóng tiền (hơn 400 triệu đồng) để mua mã AOC, được trả lãi suất theo ngày, mỗi ngày 0,5%.
Cơ quan điều tra làm rõ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền “ảo” tại Bắc Giang. Nguồn CAND
Sau 180 ngày mà không muốn tham gia nữa sẽ được rút gốc. Quá 180 ngày, bà Nhường muốn rút toàn bộ số tiền gốc hơn 400 triệu đồng, song đối tượng Thân Thị Toan không cho rút. Nếu rút hết bà phải mua thêm một mã mới nhưng bà không đồng ý, Toan cũng không trả lại tiền như đã cam kết nên bà Nhường làm đơn tố cáo.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ, với thủ đoạn tuyên truyền, dụ dỗ người dân đóng tiền mua mã AOC và lôi kéo theo kiểu đa cấp như: Tiếp tục tham gia thì tài khoản gốc sẽ tăng gấp đôi; nếu ai vận động được người khác cùng mua mã AOC thì được hưởng từ 10-15% tiền hoa hồng trên tổng số tiền mà người khách đến sau tham gia..., các đối tượng trên đã lừa đảo hàng chục tỉ đồng của nhiều người dân Bắc Giang và các tỉnh khác.
Trước đó, cơ quan công an cũng đã triệt phá một số đường dây huy động tiền ảo có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có thể kể đến một số vụ như: C50 - Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây huy động vốn công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên đến 140 tỉ đồng, đồng thời bắt giữ đối tượng cầm đầu Nguyễn Minh Phương (39 tuổi, trú tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cùng 2 đồng phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt giữ 3 đối tượng và lập hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan đến mạng đa cấp Boss - Bitcoin.com. Tại Nghệ An, cơ quan chức năng phát hiện một số đối tượng đã tổ chức hội thảo về tiền ảo tại khách sạn Phương Đông với sự tham gia của 250 người...
Những hệ lụy khó lường
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, việc kêu gọi đầu tư tiền ảo có dấu hiệu biến tướng thành kinh doanh đa cấp, lừa đảo người dân. Dùng tiền thật để mua tiền ảo, rồi lợi nhuận tăng khi tiền ảo tăng giá và nhận hoa hồng, tiền thưởng khi kêu gọi thêm được nhà đầu tư cùng chơi. Qua đó có thể thấy, đây chỉ là một loại hình đa cấp, lấy tiền của người này để trả hoa hồng cho người trước. Đến khi không thể cầm cự được thì tất yếu hệ thống sẽ bị vỡ và người chơi sẽ chịu thiệt đơn thiệt kép.
Bên cạnh những hệ lụy mất tài sản, rơi vào vòng lao lý, lưu thông tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin nên luôn ẩn chứa nguy cơ mất an toàn dữ liệu: lộ tài khoản, lộ mã bảo mật, tài khoản bị giả mạo. Chính vì vậy, người tham gia sẽ chịu thiệt hại khi xảy ra sự cố như hacker tấn công mạng. Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh - Cục trưởng Cục An ninh, Tiền tệ, Đầu tư - Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho biết, việc sử dụng tiền ảo một cách ồ ạt, không có định hướng, không có sự quản lý của Nhà nước sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh chủ quyền của đất nước. Những năm gần đây, tiền ảo rộ lên là do một số cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư đưa thông tin. Hiện pháp luật chưa cho phép là phương tiện thanh toán, chưa coi là loại dịch vụ hàng hóa nên hoạt động sử dụng tiền ảo đang bị cấm. Công dân được làm mọi việc mà pháp luật không cấm, nhưng ở đây pháp luật cảnh báo không coi tiền ảo là phương tiện thanh toán. Thiếu tướng Lĩnh cũng cảnh báo, trước những nguy cơ của tiền ảo có thể gây ra, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo trên các website để phòng ngừa rủi ro, bảo mật, phòng chống rửa tiền. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong quản lý, các hoạt động có liên quan đến tiền ảo. Do hoạt động trong lĩnh vực trực tuyến nên phải đẩy mạnh việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động tài chính, ngân hàng, thương mại để hạn chế rủi ro. Cần tăng cường kiểm tra, rà soát ở các trang web, các tổ chức, cá nhân để phòng ngừa, đấu tranh kịp thời với các loại tội phạm.