Bắp cải còn có tên gọi khác là quyển tâm thái, cải bắp, sú, thuộc họ cải Brassicaceae.
Bắp cải thuộc cây rau ôn đới được nhập vào trồng ở nước ta từ lâu. Những giống cải bắp chính vụ, chỉ cuốn bắp khi nhiệt độ dưới 20 độ C. Tuy nhiên những giống cải bắp chịu nhiệt (chủ yếu những giống lai) vẫn vào bắp ở nhiệt độ 25 độ C-27 độ C.
Bắp cải được trồng ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Bắc. Ở miền Nam trước đây bắp cải là đặc sản của Đà Lạt, nhưng ngày nay nhiều huyện ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trồng bắp cải rất nhiều, thu hoạch được một lượng rau đáng kể.
Những giống bắp cải dùng để xuất khẩu có giá trị đang được trồng phổ biến ở nước ta hầu hết đều là những giống nhập từ nước ngoài như giống Boston của Pháp, giống K.K cross, N.S cross của Nhật bản đều là những loài rau ăn ngon.
1. Thành phần hóa học và dinh dưỡng của bắp cải
Người ta đã xác định trong bắp cải tươi có: Nước 90%; protid 1,8%; glucid 5,4%; chất xơ 1,6%; calo 50 (từ 100g bắp cải). Bắp cải cũng giàu về muối khoáng, nhất là calcium, phosphor. Lượng vitamin C cũng cao, chỉ kém cà chua, nhưng lại gấp 4,5 lần so với cà rốt, 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Bắp cải thường dùng chế biến các loại thức ăn như luộc, xào với thịt nạc và tôm như các món rau xào khác, làm nộm, muối xổi ăn giòn (thêm rau răm, tỏi, đường, muối, ớt). Bắp cải nếu nhiều có thể nén làm dưa để ăn dần. Lá bắp cải thường cuốn thịt, hấp ăn cũng là một món ăn khá bổ dưỡng.
Ở châu Âu, từ thời thượng cổ người ta đã biết sử dụng cải bắp làm thuốc và mệnh danh nó là "thuốc của người nghèo".
2. Bài thuốc chữa bệnh có chứa bắp cải
Bắp cải vị ngọt, nhạt, tính hàn. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây đã cuốn trên mặt đất. Bắp cải có tác dụng lợi tiểu tiện, hoạt tràng, lọc máu, giải độc, liền sẹo vết thương, cung cấp một lượng lưu huỳnh (S) nhất định cho cơ thể.
Bắp cải dùng để trị đau dạ dày, ho viêm họng khản tiếng, sâu bọ cắn, chữa khớp, thống phong, đau thần kinh hông, giun sán, mụn nhọt…
- Trị đau dạ dày, viêm ruột, bệnh đường ruột, viêm họng, ho: Trong bắp cải có chất chống viêm loét là vitamin U, tuy nhiên nó rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Cách dùng: Bắp cải tươi tùy dùng, đường, muối vừa đủ. Ép lấy nước uống. Thông thường 1kg sẽ cho 500-700ml nước ép. Nếu giã tươi lấy nước cốt cũng được 350-500ml. Liệu trình 02 tháng.
- Đái buốt, đái rắt, đại tiện táo: Rau cải bắp luộc tùy dùng. Luộc ăn và uống nước.
- Nhiễm khuẩn đầu da móng tay: Rửa bằng nước ép bắp cải.
- Chữa bỏng hoặc mụn nhọt: Lá cải bắp tùy dùng. Hơ nóng cho mềm hoặc luộc cho mềm đắp vết thương.
4. Lưu ý khi dùng bắp cải
Bắp cải có tính hàn, do vậy những ai yếu người, lạnh tay chân hay gặp các vấn đề liên quan đến phong hàn không nên ăn bắp cải vì sẽ làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn bắp cải thì có thể cho thêm một vài lát gừng đập dập và luộc cùng bắp cải sẽ khiến trung hòa bớt tính hàn có trong bắp cải.
Ngoài ra, người bệnh thận phải lọc máu, người có hệ tiêu hóa kém, người bệnh cường giáp bướu cổ, người dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc… khi ăn bắp cải cần chú ý, vì ở các dạng chế biến khác nhau, bắp cải có khả năng làm trầm trọng thêm bệnh.
Tốt nhất để sử dụng bài thuốc có bắp cải bạn cần được sự tư vấn hướng dẫn và chỉ định của những người có chuyên môn không tự làm thầy thuốc.
Mời bạn xem tiếp video:
Bắp cải - Món ăn bài thuốc | SKĐS