Chương trình nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và xâm hại trên internet cũng như hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, Internet mang đến rất nhiều cơ hội. Nhưng bên cạnh cơ hội cũng có những nguy cơ lớn. Chương trình mới được phê duyệt đã tính đến sự cần thiết phải cân bằng giữa việc giải quyết các nguy cơ cho trẻ em và những thay đổi đầy hứa hẹn mà kỹ thuật số mang đến cho trẻ em, kết nối các em với phương pháp học tập đầy sáng tạo, cách giải quyết vấn đề, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng mà các em cần có để thành công trong thế giới kỹ thuật số.
Giải quyết vấn đề xâm hại trên mạng cần có sự cam kết của Chính phủ và sự tự điều chỉnh của các nền tảng trực tuyến, của các cơ quan quản lý. Nhưng việc ngăn chặn xâm hại trên môi trường mạng sẽ chỉ thành công khi cha mẹ có được nhận thức đầy đủ và bản thân trẻ em được trang bị các thông tin về nguy cơ cũng như chiến lược để phòng tránh và trình báo xâm hại trên mạng.
Bà Flowers nhấn mạnh, khi xâm hại xảy ra trên môi trường mạng thì chúng ta, những người làm cha mẹ thường không nhận thức được những nguy cơ và cũng không biết được những gì con em chúng ta đã phải trải qua trên mạng. Đối với trẻ em, các em sẽ thấy cô đơn buồn bã. Khi bắt nạt xảy ra ở trường thì mọi người có thể thấy được, nhưng khi nó xảy ra trên môi trường mạng thì sự tàn nhẫn, xâm hại có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và sự tự tin của trẻ em, khiến các em cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ dành thời gian trò chuyện với con em mình, xác định các chiến lược bảo vệ và chúng tôi khuyến khích trẻ em đứng lên bảo vệ nhau, đề cao lòng tốt và bảo vệ nhau khỏi bị xâm hại.
Một cuộc khảo sát gần đây của UNICEF chỉ ra rằng 1 trong 5 thanh thiếu niên ở Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt và quấy rối trên mạng từ các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, ba phần tư các em không biết chỗ để tìm kiếm sự hỗ trợ. Ngày càng có nhiều trường hợp tội phạm tình dục và buôn bán trẻ em được trình báo, chủ yếu là nam giới sử dụng internet và điện thoại di động để quyến rũ, lôi kéo và tống tiền trẻ em nhằm xâm hại trẻ em. Đối với trẻ em sử dụng internet, có rất ít các biện pháp được thực hiện để bảo vệ các em khỏi những mối nguy hiểm của lạm dụng kỹ thuật số hoặc tăng tiếp cận với các nội dung lành mạnh trên mạng một cách an toàn.
Với Chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới được phê duyệt, Chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác với ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông để theo kịp tốc độ thay đổi và bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ và tác hại mới và đảm bảo rằng Internet luôn an toàn cho trẻ em. Khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự được khuyến khích với chuyên môn, kinh nghiệm, hiểu biết mang đến các giải pháp và cơ hội khác nhau để bảo vệ trẻ em trên mạng.
Chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chú trọng vào vai trò của trẻ em và thanh thiếu niên trong việc tìm ra giải pháp, nhằm nâng cao năng lực trẻ em và thanh thiếu niên để các em có thể tận dụng những cơ hội tuyệt vời mà thế giới kỹ thuật số mang lại, và trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng để tự nhận ra nguy cơ và có thể tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Chương trình cũng đề cao vai trò quan trọng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên trong việc hướng dẫn và hỗ trợ cho trẻ em để các em có thể tương tác trên mạng một cách an toàn và lành mạnh.
Với Chương trình này, Chính phủ cũng cam kết xây dựng luật, chính sách, thực tiễn và các sản phẩm có thể giúp trẻ em khai thác các cơ hội kỹ thuật số và bảo vệ các em khỏi những tổn hại.
Trong những năm qua, UNICEF đã nỗ lực để đạt được cam kết, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các đối tác trong việc nhận biết và hành động chống lại tội phạm toàn cầu về xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng, trong đó có hỗ trợ xây dựng Chương trình này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên liên quan để đảm bảo triển khai hiệu quả của chương trình. Chúng ta cùng nhau hành động để internet trở thành một nơi an toàn cho trẻ em học tập, giao tiếp và thể hiện bản thân. Bà Rana Flowers cho biết.
-Vô tình cung cấp quá nhiều thông tin để những kẻ lạm dụng trẻ em thực hiện các hành vị pham tội.
-Dành quá nhiều thời gian chơi các trò chơi bạo lực trên mạng.
-Trẻ em bị bạn bè hoặc kẻ xấu thuyết phục chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của mình, được gọi là "sexting".
-Dễ bị đánh lừa bởi những kẻ ấu dâm giả vờ cùng trang lứa.
-Nạn bắt nạt và xâm hại trên mạng.