Bạo lực mạng đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với cả phụ huynh và giáo viên. Mặc dù các nghiên cứu mang lại những số liệu thống kê khác nhau, nhưng nhìn chung trẻ em đang dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết trên không gian ảo. Khi một đứa trẻ thể hiện sự tức giận hoặc lo lắng sau khi lên mạng, đó có thể là một trong những dấu hiệu trẻ đang bị đe dọa trực tuyến.
Nhiều trẻ em hành hạ và quấy rối lẫn nhau bằng cách sử dụng các kênh truyền thông xã hội
Nghị định 15/2020/NĐ-CP hay Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mới ban hành ngày 17/6/2021 có lẽ đã và đang góp phần tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, hữu ích. Tuy nhiên, những kẻ bắt nạt lâu nay cũng đã kịp nghĩ ra nhiều thủ thuật nhằm lách luật mà vẫn thỏa mãn được mục đích xấu xí. Thực tế, nhiều trẻ em hành hạ và quấy rối lẫn nhau bằng cách sử dụng các kênh truyền thông xã hội. Khi muốn ‘gọi tên’ một ai đó trên mạng xã hội, kẻ bắt nạt sẽ đặt cho nạn nhân một biệt danh. Khi muốn làm nhục một ai đó, kẻ bắt nạt sẽ viết những status hoặc comment kiểu ‘giãn cách’,… Bằng những thủ thuật tinh vi, kẻ bắt nạt khiến nạn nhân không thể kiện mình. Để không bị rơi vào những tình huống oái oăm này, cha mẹ nên chủ động bảo vệ trẻ bằng những cách dưới đây.
Xác định vấn đề của trẻ
Cung cấp cho trẻ một định nghĩa chính thức về bắt nạt trực tuyến, đồng thời đưa ra những ví dụ mà trẻ có thể thực sự trải nghiệm khi sử dụng mạng xã hội. Có rất nhiều hình thức bắt nạt trên mạng, và chủ yếu là những bình luận gây tổn thương trên Facebook, Instagram, YouTube,... Trong trường hợp này, cha mẹ hãy kiên nhẫn và hỏi trẻ về vấn đề nói chung: Bắt nạt trên mạng là gì, trẻ có biết ai đang bị bắt nạt không, trẻ nên làm gì nếu nhận thấy hành vi bắt nạt. Bằng cách này, cha mẹ sẽ biết mức độ tham gia của trẻ vào tình huống và trẻ đang đứng về phía nào.
Giám sát hoạt động trực tuyến
Bắt nạt trên mạng có một ưu điểm là bạn có thể nhận thấy điều đó và lưu lại bằng chứng. Bạn có thể cài đặt ứng dụng giám sát trên điện thoại. Điều này giúp bạn theo dõi hoạt động trên mạng xã hội (bao gồm YouTube, TikTok, Facebook, Snapchat và Instagram), xem tất cả tin nhắn văn bản (ngay cả những tin nhắn đã xóa), nhật ký cuộc gọi và hành vi trực tuyến. Bạn thậm chí có thể chặn và kiểm soát điện thoại của trẻ từ xa. Tóm lại, cha mẹ nên biết trẻ đang làm gì trên không gian mạng, khi nào và với ai.
Cha mẹ nên biết trẻ đang làm gì trên không gian mạng, khi nào và với ai
Hiểu biết các ứng dụng và nền tảng
Rất khó để ngăn chặn đe dọa trực tuyến nếu bạn không hiểu cách hoạt động của các ứng dụng cũng như cách mà các trò troll có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Đừng hành động một mình
Thay vào đó, bạn hãy tạo một cộng đồng cho người lớn và trẻ em để gửi một thông điệp thống nhất chống lại đe dọa trực tuyến. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể thành lập một ban an toàn tại trường học để kiểm soát và thảo luận về các vấn đề bắt nạt trực tuyến.
Nhấn mạnh tính tích cực
Hãy sử dụng trang web trường học để tạo một trang hoặc diễn đàn, nơi phụ huynh có thể thảo luận vấn đề bắt nạt trực tuyến. Phụ huynh hoặc giáo viên cũng có thể thu hút những kẻ bắt nạt và nạn nhân bằng cách giao cho họ nhiệm vụ chung để họ có thể cố gắng nhìn nhau từ một góc độ khác. Luôn ghi nhớ, mục tiêu cuối cùng là bảo vệ và khôi phục lòng tự tôn của nạn nhân, đồng thời cung cấp cho nạn nhân công cụ và chiến lược để bảo vệ bản thân trên không gian mạng trong tương lai.