Bảo vệ trẻ em khuyết tật trước nguy cơ bị phân biệt đối xử - trách nhiệm không của riêng ai

09-10-2021 11:00 | Y tế
google news

SKĐS - Bảo vệ trẻ em khuyết tật trước nguy cơ bị phân biệt đối xử, bị rơi vào khủng hoảng hay bị bóc lột, bạo hành là trách nhiệm không chỉ của gia đình, cộng đồng mà của toàn xã hội.

Trẻ khuyết tật phải đối mặt với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyền cơ bản của trẻ hoặc loại trừ sự tham gia của trẻ. Đây là nhóm đối tượng dễ bị phân biệt đối xử kép do các yếu tố thể chất, khuyết tật, nghèo đói…. 

Công ước Quốc tế về quyền của trẻ em có các điều khoản quy định các quyền khác nhau của tất cả mọi trẻ em và các quyền đó là không thể tách rời. Các quyền này được phân chia thành 4 nhóm quyền gồm quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia và quyền được phát triển. Trong các nhóm quyền đó, quyền được bảo vệ có ý nghĩa quan trọng trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ khuyết tật.

Bảo vệ trẻ em khuyết tật trước nguy cơ bị phân biệt đối xử - trách nhiệm không của riêng ai - Ảnh 1.

Trẻ khuyết tật có quyền được bảo vệ trước nguy cơ bị phân biệt đối xử, bị rơi vào khủng hoảng hay bị bóc lột, bạo hành. Ảnh minh họa: T.L

Bởi trẻ em khuyết tật còn non nớt về thể chất, tinh thần và sự trải nghiệm cuộc sống, do đó, bất cứ lúc nào trẻ cũng có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm. Trẻ khuyết tật thường gặp khó khăn và phụ thuộc người khác trong việc di chuyển, giao tiếp, thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân (tắm giặt, thay đồ, vệ sinh cá nhân…). Nhiều trẻ còn bị cô lập bởi chính cha mẹ, anh chị em ruột, những người thân trong gia đình, gặp những rào cản trong việc tiếp cận những hệ thống bảo vệ và hỗ trợ trẻ như hạn chế trong việc giao tiếp (đối với trẻ khuyết tật nghe nói, trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ….), đồng thời những ý kiến của trẻ thường không được coi trọng, thậm chí bỏ qua.

Do các vấn đề về thể chất, tài chính và tình cảm cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ khuyết tật dễ bị áp lực hoặc căng thẳng trong việc chăm sóc con của họ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị căng thẳng có thể sẽ có hành vi lạm dụng. Trẻ khuyết tật thường bị hiểu lầm là không thể quan hệ tình dục và không hiểu biết về cơ thể của mình và do đó có thể là mục tiêu của những người lạm dụng, đặc biệt là những người lạm dụng tình dục.

Trẻ khuyết tật có nguy cơ bị lạm dụng cao gấp 5 lần so với trẻ không khuyết tật. Các em có nguy cơ đối mặt với tất cả các hình thức lạm dụng về tinh thần, thể chất hoặc tình dục trong mọi môi trường, bao gồm gia đình, trường học, các cơ sở khác, bao gồm cơ sở chăm sóc, môi trừờng làm việc và cộng đồng nói chung.

Bảo vệ trẻ khuyết tật trước các nguy cơ

Bảo vệ trẻ khuyết tật nhằm bảo vệ trẻ thoát khỏi mọi phân biệt đối xử, trong các trường hợp khủng hoảng, khẩn cấp và trước nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột hay không được quan tâm.

Phân biệt đối xử là sự đối xử khác biệt, loại trừ, cấm đoán hoặc ưu tiên đối với trẻ trên cơ sở sự khác biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, tài sản hoàn cảnh xuất thân và các tình trạng khác gây trở ngại hoặc tổn hại đến vị thế, hoạt động và sự phát triển của trẻ. 

Sự phân biệt đối xử làm cho trẻ thiếu sự tự tin vào bản thân, khiến trẻ thiếu cơ hội và điều kiện để phát triển đầy đủ tiềm năng. Phân biệt đối xử và sự kỳ thị xã hội có thể dẫn đến việc trẻ khuyết tật bị cách ly và loại trừ khỏi đời sống xã hội, thậm chí có thể đe doạ sự sống còn và phát triển của trẻ, hạn chế việc trẻ khuyết tật được chăm sóc y tế, tham gia các hoạt động xã hội và tiếp cận hệ thống giáo dục từ đó khiến trẻ bị từ chối các cơ hội việc làm trong tương lai.

Bảo vệ trẻ em khuyết tật trước nguy cơ bị phân biệt đối xử - trách nhiệm không của riêng ai - Ảnh 2.

Trẻ khuyết tật luôn cần được đối xử công bằng để các em có thể tự tin, hòa nhập với cuộc sống. Ảnh: PV

Trẻ khuyết tật có quyền được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử giữa trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật, trẻ em trai khuyết tật và trẻ em gái khuyết tật, trẻ thuộc gia đình có điều kiện kinh tế và trẻ thuộc gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật ở các dạng tật khác nhau… 

Để bảo vệ trẻ cần nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho mọi cấp, mọi ngành, mọi người và mọi trẻ em bao gồm cả trẻ khuyết tật, chú trọng đến việc thực hiện bình đẳng giữa trẻ khuyết tật và các trẻ em khác trong môi trường giáo dục và cộng đồng. Có các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp vi phạm quyền của trẻ khuyết tật và đảm bảo các biện pháp khắc phục hậu quả này có thể dễ dàng tiếp cận và phù hợp với trẻ khuyết tật và cha mẹ trẻ khuyết tật. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em khuyết tật để các em vươn lên tự khẳng định mình và biết tự bảo vệ mình trước mọi sự phân biệt đối xử.

Khủng hoảng/khẩn cấp đối với trẻ em khuyết tật là tình trạng rối loạn, thiếu hụt, mất cân bằng nghiêm trọng do những yếu tố bên ngoài tác động, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội và hoạt động học tập của trẻ em. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật đều có thể bị rơi vào những hoàn cảnh phải chịu đựng những khó khăn, mất mát như khi trẻ sống trong vùng thiên tai, thảm hoạ, chiến tranh, bị bỏ rơi….Trong những trường hợp đó, trẻ khuyết tật luôn là những người chịu tổn thương nặng nề nhất về cả thể chất, tinh thần và tình cảm. Các em bị thiếu thốn những điều kiện tối thiểu để sống và phát triển.

Để bảo vệ trẻ khuyết tật cần thúc đẩy việc phục hồi chức năng và tái hoà nhập xã hội cho trẻ để trẻ ổn định sau những trường hợp khủng hoảng và khẩn cấp. Xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các hộ gia đình rơi vào tình trạng khủng hoảng/khẩn cấp sớm ổn định. Xây dựng chương trình/chính sách hỗ trợ học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật, xây dựng quỹ phòng chống thiên tai, tình huống khẩn cấp ở các cấp địa phương nhằm đảm bảo đủ nguồn lực ổn định cho việc khắc phục khó khăn, hạn chế mức thấp nhất những hậu quả gây tác động xấu đến tính mạng và đời sống của trẻ khuyết tật.

Bất kỳ một hành vi hoặc yếu tố tình huống của cá nhân/tổ chức hay cộng đồng như xầm phạm đến thể chất, tình cảm, nhân cách, lạm dụng tình dục, ngược đãi, sao nhãng, bỏ rơi, sử dụng quá mức lao động hoặc khai thác thương mại, tước đoạt quyền và sự tự do của trẻ, gây nguy hại đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội và hoạt động học tập của trẻ khuyết tật đều được coi là lạm dụng, bóc lột trẻ. Trẻ bị bóc lột, lạm dụng khiến trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực về sư phát triển thể chất, tinh thần và xã hội như mặc cảm, tự ti, lo lắng, sợ hãi, sự tự trọng thấp dễ mắc phải tệ nạn xã hội, tự hại bản thân, nguy cơ tự tử tăng… Những hậu quả này không chỉ tác động trong thời điểm hiện tại mà còn kéo dài thậm chí suốt đời.

Để bảo vệ trẻ khuyết tật, cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người khác chăm sóc trẻ cần hiểu được những rủi ro và dấu hiệu lạm dụng trẻ em. Cha mẹ trẻ khuyết tật cần cảnh giác về việc lựa chọn người chăm sóc và cơ sở chăm sóc trẻ và nâng cao khả năng phát hiện lạm dụng.

Đảm bảo trẻ khuyết tật nhận thức được quyền được bảo vệ và tôn trọng đồng thời trẻ và gia đình trẻ khuyết tật có quyền khiếu nại với các cơ quan có thẩm quyền khi quyền của trẻ bị vi phạm.

Đảm bảo rằng có các biện pháp bảo vệ trẻ khuyết tật không bị bắt nạt và kỳ thị tại trường học. Các cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật cần có nhân viên được đào tạo chuyên biệt và đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp. Thiết lập cơ chế khiếu nại, tố cáo dễ tiếp cận và phù hợp với trẻ khuyết tật và gia đình trẻ khuyết tật.

Đảm bảo việc điều trị và tái hoà nhập cho trẻ khuyết tật là nạn nhân của các hành vi lạm dụng và bạo lực.


Trang Minh
Ý kiến của bạn