Hà Nội

Bảo vệ trái tim trong kỳ nghỉ

20-01-2023 08:10 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Tết là thời điểm giao mùa Đông - Xuân. Thời tiết lạnh làm các mạch máu bị co lại, làm máu lưu thông khó khăn, nhất là các mạch máu nhỏ và ở xa tim gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt là với người cao tuổi.

Cùng hiểu biết để nhận ra những yếu tố nguy cơ đến sức khỏe tim mạch trong dịp Tết và có được các biện pháp dự phòng thích hợp là mong muốn và cũng là món quà Xuân mà người viết muốn gửi đến bạn đọc Báo Sức khỏe & Đời sống trong bài viết này.

Thời tiết dịp Tết ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch

Thời tiết dịp Tết là thời điểm giao mùa, là dạng thời tiết kết hợp giữa những đợt sóng lạnh cuối mùa đông và độ ẩm cao của đầu xuân. Thời tiết lạnh làm các mạch máu bị co lại, làm máu lưu thông khó khăn, nhất là các mạch máu nhỏ và ở xa tim. Khi máu lưu thông chậm sẽ làm tăng nguy cơ đông máu, từ đó dẫn đến nguy cơ tắc động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim, tắc động mạch não, gây tai biến mạch máu não (đột quỵ não).

Cùng với đó, dạng hình thái thời tiết lạnh - ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh ở đường hô hấp phát triển và gây bệnh làm cho người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch dễ bị viêm phổi. Nhiễm trùng hô hấp làm cho bệnh nền tim mạch nặng thêm và tăng thêm nguy cơ tử vong.

Sinh hoạt ngày Tết ảnh hưởng đến trái tim

Tết là vui nhưng cũng làm mất đi nhịp sinh hoạt thường ngày. Hầu như mọi người ai cũng ngủ ít hơn, không còn thời gian nghỉ ngơi như ngày thường; thời gian bữa ăn cũng lệch so với thường lệ; vận động thể chất trong dịp Tết có khi quá mức so với bình thường... Tất cả các yếu tố trên, kể cả việc quá vui... đều ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh tim mạch.

Nhịp sinh hoạt thất thường có thể làm cho nhịp tim nhanh hơn, dẫn đến làm bong những cục máu đông, những mảng bám xơ vữa đã có trước gây nên tình trạng tắc mạch ở tim, ở não... Việc thay đổi nhịp sinh hoạt có thể làm dư thừa hay thiếu lượng thức ăn, thừa nước hoặc thiếu nước (chủ yếu hay gặp là thiếu nước) đều có tác động xấu đến tim mạch. Nhịp sinh hoạt ngày Tết bị đảo lộn cũng có thể làm tăng hoặc hạ huyết áp, đặc biệt ở người có bệnh tim mạch nền.

Bảo vệ trái tim trong kỳ nghỉ - Ảnh 1.

Chế độ ăn ngày Tết gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch

Tết đồng nghĩa với các bữa tiệc phong phú nhiều thịt, mỡ cùng chế độ ăn uống không điều độ là khó tránh trong ngày Tết. Điều này là hết sức nguy hiểm với bệnh nhân có tiền sử mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tiền sử có bệnh mạch vành. Cùng với thức ăn nhiều mỡ, thực phẩm ngày Tết còn chứa rất nhiều muối, muối để tẩm ướp, muối để chế biến, bảo quản... đặc biệt là trong các món ăn truyền thống như dưa hành, dưa cải, dưa củ kiệu hay các món ăn chế biến sẵn như giò chả, pate, lạp xưởng... thực phẩm nhiều muối chắc chẵn sẽ tác động xấu đến sức khỏe tim mạch kể cả tức thì và lâu dài.

Cũng phải kể đến, ngày Tết sẽ có không ít các loại bánh có chứa nhiều đường. Dung nạp nhiều đường có thể làm tăng đường máu ở những người có rối loạn chuyển hóa đường, dẫn đến ảnh hưởng toàn thân, trong đó có tim mạch. Thêm vào đó, an toàn thực phẩm trong dịp Tết nếu không được chú ý sẽ gây nên tình trạng ngộ độc hay nhiễm trùng toàn, thân tác động trực tiếp đến tim mạch.

Rượu, bia, cà phê, thuốc lá ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tim mạch

Đồ uống có cồn (rượu, bia), cùng với cà phê, thuốc lá, xì gà... là các sản phẩm rất sẵn có và được sử dụng khá nhiều trong dịp Tết. Người dùng thường xuyên cũng sử dụng, người ngày thường không quen với rượu, bia, thuốc lá cũng uống, cũng hút ít nhiều.

Các nghiên cứu đã đưa ra, chất nicotine có trong thuốc lá có khả năng làm rối loạn chức năng đàn hồi của mạch máu, gây tăng huyết áp và nhịp tim, khởi phát và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch tiến triển. Một tác động tiêu cực khác của thuốc lá ít được biết đến, là gây co thắt động mạch vành, tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim ở những người bệnh tim mạch hút thuốc lá. Do động mạch vành co thắt làm cho máu lưu thông khó khăn hơn và có thể làm nứt vỡ mảng xơ vữa (nếu có), xuất hiện cục máu đông gây tắc mạch.

Rượu (bia) cũng được coi là kẻ thù nguy hiểm của bệnh tim mạch, do gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim co bóp mạnh hơn bình thường và tăng áp lực mạch máu não, có thể gây xuất huyết mạch não (vỡ mạch máu não). Người có bệnh tim, mạch mà uống quá 2 lon bia hay nhiều hơn 50ml rượu (1 chén/ngày, là đã có ảnh hưởng đến tim mạch.

Làm gì để có trái tim khỏe mạnh trong dịp Tết?

Giữ ấm cơ thể, nhất là hai bàn tay, vùng ngực, cổ, đầu. Khi đi xe máy, làm việc ngoài trời vào ban đêm cần phải đặc biệt mặc đủ ấm. Hình thành thói quen phòng bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa, trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường nhưng COVID-19 vẫn tồn tại trong cộng đồng.

Đó là, tránh tiếp xúc với người đang có ho, hắt hơi hoặc đã biết rõ đang mắc bệnh truyền nhiễm; đeo khẩu trang khi đi tàu, xe, máy bay, khi ở trong những không gian kín, hẹp như thang máy...; thường xuyên vệ sinh tay, giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh mũi họng bằng nước muối; vệ sinh nhà, cửa, đặc biệt các bề mặt, các vật dụng dùng chung như bát, đũa, chén. Bát phải rửa sạch bằng chất làm sạch và để khô trước khi sử dụng lại.

Nếu cơ thể đang có bệnh nền, phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc, sử dụng thuốc đúng, đủ để kiểm soát bệnh nền. Người có bệnh nền nên có kế hoạch chuẩn bị đủ số lượng thuốc cần dùng trong dịp Tết. Đừng chăm chăm sắm Tết và quên chuẩn bị thuốc.

Tiêm chủng vaccine phòng bệnh theo lứa tuổi. Các vaccine phòng bệnh cho người cao tuổi, người có bệnh nền hiện nay nên tiêm đủ, là vaccine phòng COVID-19, vaccine phòng cúm, vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn.

Kiểm soát nhịp sinh hoạt trong ngày Tết. Người cao tuổi, người có bệnh nền phải có thời gian nghỉ ngơi. Các hoạt động vui chơi cần vừa đủ và vừa sức. Duy trì chế độ tập thể dục nhẹ nhàng. Bổ sung nước đầy đủ, tránh để cơ thể thiếu nước.

Luôn ý thức để có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những ngày Tết. Về số lượng, không ăn quá dư thừa, nhưng cũng không nên để đói vì quá vui Tết. Về thành phần thực phẩm, nên ăn ít các chất béo xấu hạn chế tăng cholesterol xấu, như các món chiên, rán, nướng, thức ăn có nhiều bơ, kem; nên ăn các thức ăn là chất béo tốt, như các loại hạt, cá hồi, cá thu, cá ngừ, sử dụng dầu thực vật. Ăn nhiều rau và trái cây. Cắt giảm lượng đường, lưu ý các món tráng miệng có nhiều đường như bánh ngọt, kẹo... Hạn chế lượng muối, kể cả các loại nước mắm, nước chấm.

Ngày Tết khó từ chối được rượu bia, tuy nhiên người bệnh tim mạch nên hạn chế không uống quá 2 lon bia hoặc 1 ly rượu mạnh/ngày. Một vài ngụm nhỏ rượu vang có thể tốt cho người bệnh tim mạch. Những ai mỗi khi uống cà phê thì nhịp tim lại "rộn ràng" quá mức thì cũng nên để ý, kẻo ham quá mất vui. Và cuối cùng cho dù là Tết thì cũng không nên hút thuốc lá, kể cả xì gà.

Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong do nguyên nhân tim mạch ở thời điểm tháng 12 và tháng 1 cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9. Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với các tháng mùa hè. Huyết áp mùa đông tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5mmHg. Sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch.


PGS.TS. Đào Minh Tuấn
Ý kiến của bạn