Hà Nội

Bảo vệ tổ chức cướp ngân hàng như trong phim

04-09-2008 11:11 | Thời sự
google news

Vụ cướp tiền tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương xảy ra giữa ban ngày và như trong phim hành động nước ngoài khiến cho dư luận ở Hà Nội hết sức xôn xao.

Sau khi ra trại, Tiến được tuyển vào làm nhân viên bảo vệ của Công ty cổ phần An ninh Việt Vương. Chỉ sau khi được huấn luyện 1 tuần, Tiến đã được điều về làm việc tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương. Nắm được sơ hở của cơ quan nơi mình làm việc, lại đang nợ tiền vì cờ bạc, Tiến đã cùng đồng bọn vạch kế hoạch cướp ngân hàng…

 Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương, hiện trường vụ án (Ảnh: T.H).


Như Báo CAND đã đưa tin về vụ Lê Văn Tiến, nhân viên bảo vệ của Phòng Giao dịch của Chi nhánh Hà Nội thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (viết tắt là Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương) câu kết với đồng bọn tổ chức cướp tiền.

Cho đến lúc này, nhiều người mới giật mình, để ý đến chất lượng đạo đức của các nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ ở các địa điểm nhạy cảm, liên quan đến việc giao dịch, vận chuyển tiền như: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch tín dụng... Bởi nếu "nuôi ong tay áo" như trong trường hợp xảy ra tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương thì hậu quả thật khó lường...

Vụ cướp tiền tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương xảy ra giữa ban ngày và như trong phim hành động nước ngoài khiến cho dư luận ở Hà Nội hết sức xôn xao.

Vào lúc 11h45' ngày 25/8, 2 tên cướp đeo khẩu trang, kính đen, đội mũ bảo hiểm kín mít xông vào Phòng Giao dịch, trói và dùng băng dính dán miệng bảo vệ và thủ quỹ, sau đó gí dao khống chế, bắt thủ quỹ mở két sắt lấy đi một số tiền mà Phòng Giao dịch vừa thu của khách hàng.

Ngay sau đó, khi Công an quận Hai Bà Trưng và Đội trọng án của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH vào cuộc thì sự thật lại càng khiến dư luận bàng hoàng hơn.

Kẻ chủ mưu của vụ cướp tiền táo tợn này chính là Lê Văn Tiến (22 tuổi), trú tại tổ 10, thôn Quế Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhân viên bảo vệ của phòng giao dịch này. Và oái oăm thay, Tiến, kẻ được giao nhiệm vụ bảo vệ một nơi "nhạy cảm", hằng ngày diễn ra các hoạt động giao dịch rất nhiều tiền lại có nhân thân rất xấu.

Năm 2005, Tiến đã bị Công an phường Trần Phú xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Năm 2007, Tiến tiếp tục bị bắt, sau đó bị TAND quận Hoàng Mai tuyên phạt 8 tháng tù giam về tội lừa đảo. Ngày 21/6, Tiến mới ra trại.

Chưa đầy 1 tháng sau, anh ta được tuyển vào làm nhân viên bảo vệ của Công ty cổ phần An ninh Việt Vương, trụ sở chính tại huyện Đông Anh, nhưng có chi nhánh tại ngõ Hòa Bình, phường Thổ Quan, quận Đống Đa (Hà Nội). Chỉ sau khi được huấn luyện 1 tuần, Tiến đã được điều về làm việc tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Đại Dương.

Không phải ai từng có tiền án tiền sự cũng là người xấu, nhưng với Tiến thì bản chất lưu manh cộng thêm thói cờ bạc, cá độ đã làm một tội mới. Do Tiến cùng đám bạn là Triệu Minh Tuấn và Nguyễn Thế Anh là các con bạc khát nước, đang nợ nần chồng chất nên đã nảy sinh ý định cướp tiền của Phòng Giao dịch.

Mà cũng do được làm việc ở đây, tuy có 1 tháng nhưng Tiến đã phát hiện ra quá nhiều sơ hở của cơ quan mình đang bảo vệ. Đó là phòng giao dịch này không hề có hệ thống báo động và camera theo dõi.

Mặc dù ngày 12/7 vừa qua, Công an phường Bạch Mai đã đến kiểm tra và lập biên bản về việc thiếu các phương tiện trên nhưng đến tận bây giờ vẫn... thiếu nguyên như vậy. Hơn nữa, vào buổi trưa, tại ngân hàng rất vắng nhân viên.

Bọn chúng đã bàn nhau kế hoạch cướp trong suốt 3 buổi tối (21, 23 và 24/8) và chọn ngày 25/8 là ngày thứ 2 (theo Tiến theo dõi thì thường vào ngày này lượng người đến giao dịch tiền nhiều hơn). Từ sáng 25/8, Tiến đã 3 lần điện thoại cho đồng bọn thông báo giờ giấc và kế hoạch hành động. Và 11h45' cùng ngày, vụ cướp táo tợn đã diễn ra...

Người ta thường nói phòng được lửa xa, chứ khó tránh được họa gần. Chính vì thế khi kẻ gian ở ngay tại nhà mình thì vô cùng khó lường và hậu quả diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Trước đây, tại TP Nam Định (Nam Định) cũng đã xảy ra một vụ trộm gần tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Sau khi vào cuộc, Công an TP Nam Định và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Nam Định cũng đã làm rõ thủ phạm của vụ trộm đặc biệt này chính là Phạm Tuấn Anh (34 tuổi), Tổ trưởng Tổ bảo vệ của ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Tuấn Anh cũng từ cờ bạc mà ra. Anh ta đang thua cờ bạc, bị nợ khoảng 100 triệu đồng không có khả năng chi trả nên quẫn trí, nghĩ cách kiếm tiền.

Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từng xảy ra một chuyện hy hữu khác do nhân viên bảo vệ gây ra. Đó là việc nhân viên bảo vệ Nguyễn Đức Giang đem khẩu súng CKC có 5 viên đạn đột nhập vào phòng của ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc Ngân hàng.

Tự nhiên, ông Thắng thấy Giang chĩa súng vào mình bóp cò. Theo phản xạ, ông Thắng vội túm nòng súng gạt ra khiến phát đạn nổ thẳng vào tường. Giang còn chĩa súng vào ông Thắng bóp cò 2 lần nữa nhưng may sao đạn không nổ.

Ngay sau đó, nhân viên của ngân hàng và Công an huyện Vị Xuyên đã có mặt bắt giữ Giang. Giọng anh ta vẫn lè nhè vì say rượu. Nguyên nhân việc Giang bắn ông Thắng là vì anh ta cho rằng, ông Thắng trù úm mình. Giang bị TAND tỉnh Hà Giang kết án 5 năm tù về tội giết người.

Từ những sự việc này mới thấy, ngoài nghiệp vụ bảo vệ, những nhân viên bảo vệ nói chung, đặc biệt là ở những địa điểm "nhạy cảm" như ngân hàng hay các phòng giao dịch của ngân hàng rất cần phải có phẩm chất đạo đức tốt. Vì thế, công tác tuyển chọn, đào tạo và rèn luyện nghiệp vụ cũng như đạo đức của các nhân viên phải có một quy trình chặt chẽ và cẩn trọng.

Chúng tôi đã đến tìm hiểu vấn đề trên ở một số trung tâm hoặc công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ và giật mình bởi không phải đơn vị nào cũng chú tâm đến chất lượng của công tác bảo vệ.

Theo CAND online


Ý kiến của bạn