Thận được xem như là “hệ thống cảm biến” rất nhạy cảm của cơ thể.
I. Thận - không chỉ là cơ quan lọc máu
Thận là cơ quan thuộc hệ tiết niệu, gồm hai quả, có chức năng bài tiết và nội tiết trong cơ thể. Thận là bộ phận lọc máu cho cơ thể, các chất thải như urê, axit uric, amoniac và các chất độc theo niệu quản được dẫn đến bàng quang để thải ra ngoài. Thận có nhiệm vụ tái hấp thụ nước, glucose và các axit amin. Bên cạnh chức năng bài tiết, thận còn kiểm soát nồng độ các chất điện giải, cân bằng axit-bazơ, cân bằng nội môi cho cơ thể. Thận có chức năng độc lập sản xuất các hóc-môn quan trọng như erythropoietin kích thích sản xuất hồng cầu ở tủy xương, renin tham gia điều hòa huyết áp và calcitriol có vai trò trong điều hòa canxi huyết.
Vì vậy, thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể, suy giảm chức năng thận sẽ dẫn đến rối loạn trao đổi muối-nước, ứ nước và tích tụ các chất độc, thiếu máu… làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác cũng như toàn bộ cơ thể.
Chức năng thận được đánh giá qua các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng do bác sĩ chỉ định. Những bệnh về thận thường gặp nhất là suy thận (tổn thương thận cấp và mạn) và sỏi thận.
II. Thói quen gây tổn thương cho thận và dấu hiệu cảnh báo
Thận có các chức năng điều hòa nhiều quá trình của cơ thể. Tuy nhiên, thận là một cơ quan dễ bị tổn thương bởi lối sống và thói quen hàng ngày của bạn, có liên hệ mật thiết với tăng huyết áp và đái tháo đường - những bệnh lý nếu không kiểm soát tốt sẽ gây hệ quả tổn thương thận cấp và mạn. Vì vậy, chỉ số huyết áp và đường huyết cần được duy trì ở ngưỡng cho phép.
Những thói quen gây hại cho thận phổ biến nhất là:
- Uống quá ít nước và nhịn tiểu: uống không đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày (trung bình khoảng 2 lít/ngày) cũng như nhịn đi tiểu trong thời gian dài sẽ làm giảm lượng nước tiểu, cản trở sự đào thải các chất thải, độc tố và hoạt động bình thường của thận, làm tăng nguy cơ sỏi thận.
- Ăn quá mặn: ăn mặn, ăn nhiều thực phẩm chứa lượng muối cao như đồ hộp, mắm, thức ăn nhanh, các loại tương, sốt làm tăng huyết áp, bệnh tim mạch và thận phải hoạt động quá mức để đào thải lượng muối dư thừa, lâu dần gây quá tải cho thận. Ngoài ra, các loại phụ gia trong thực phẩm đóng hộp, ăn liền gây cũng hại nhiều cho thận.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh và cân đối: thường xuyên dùng nước uống có ga, ăn quá mức thức ăn giàu đạm, nhiều dầu mỡ, ít rau xanh tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa cũng như gan và thận. Bệnh nhân sẽ bị thừa cân, dẫn đến các bệnh chuyển hóa như gout, đái tháo đường, gây ảnh hưởng đến thận. Rượu bia không kiểm soát cũng là kẻ thù của gan, thận.
- Lạm dụng thuốc: tự ý dùng thuốc. Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau rất hay được sử dụng kéo dài, liều cao, điều này làm giảm lưu lượng máu đến thận và các yếu tố bảo vệ thận, tăng nguy cơ tổn thương thận, đặc biệt ở những bệnh nhân đã bị suy giảm chức năng thận. Một số loại thuốc có độc tính trên thận cao như kháng sinh nhóm aminosid, cephalosporin thế hệ 1, thuốc kháng virus, kháng nấm amphotericin B… Thuốc cần được sử dụng dưới sự tham vấn của bác sĩ cũng như đọc kỹ khuyến cáo trong tờ thông tin đi kèm. Bệnh nhân suy thận cần tham khảo bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.
- Lười vận động, thức khuya, căng thẳng kéo dài: ảnh hưởng đến quá trình đào thải độc tố của cơ thể, tạo áp lực cho hệ tim mạch, gan, thận. Tập thể dục thường xuyên sẽ tăng cường sức khỏe tổng thể, thúc đẩy chuyển hóa cũng như hoạt động của hệ cơ quan tốt hơn, giảm nguy cơ mắc béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Khi có các dấu hiệu sau đây, cần chú ý và đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra sớm và điều trị để ngăn diễn tiến sang giai đoạn nặng hơn: nước tiểu có bọt hoặc nước tiểu có màu sắc khác thường, đau lưng vùng lưng dưới, mệt mỏi và mất ngủ, ngủ không sâu giấc kéo dài, phù tay chân.
III. Uống canxi bổ sung làm tăng nguy cơ sỏi thận?
Sỏi thận là một bệnh lý về thận rất phổ biến. Sỏi thận có nhiều loại như sỏi canxi oxalat, canxi photphat, sỏi axit uric, struvit…, nhưng loại có thành phần canxi là phổ biến nhất, chiếm khoảng hơn 80%. Việc bổ sung canxi dạng thuốc uống cho các đối tượng có nhu cầu canxi cao như trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai, người cao tuổi là cần thiết. Tuy nhiên, canxi bổ sung có làm tăng nguy cơ sỏi thận hay không thì câu trả lời là có; nhưng còn tùy thuộc vào liều lượng, cách sử dụng và nhiều yếu tố khác. Đây là một vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, người hấp thu canxi từ thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, phô mai, các loại đậu… ít có nguy cơ bị sỏi thận hơn người sử dụng canxi dạng viên hay hỗn dịch uống bổ sung kết hợp vitamin D. Để giảm thiểu nguy cơ sỏi thận, cần tuân theo liều lượng chỉ định của bác sĩ (khoảng 1.000mg/ngày cho người lớn), chia nhỏ thành nhiều lần uống sau bữa ăn trong ngày và uống cùng với nhiều nước lọc. Cần vận động nhẹ để hấp thu canxi tốt hơn, tránh dư thừa canxi đào thải qua đường niệu. Chú ý không nên uống vào buổi tối, thời điểm ít vận động hay uống cùng với sữa. Người có tiền sử bị sỏi thận dễ bị tái phát khi dùng nhiều canxi.
IV. Sự thật về rượu “bổ thận tráng dương”
Theo Đông y, các loại rượu thuốc, rượu bổ ngâm những loại dược liệu quý đúng chủng loại, liều lượng và tỉ lệ khi dùng với lượng phù hợp sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay các bài thuốc rượu bổ ngâm dược liệu, nhất là các loại động vật thường chỉ mang tính truyền miệng, dân gian, vì vậy mà tác dụng không được đảm bảo, kiểm chứng. Không phải dược liệu nào cũng có thể kết hợp và ngâm chung với nhau để tăng cường tác dụng như nhiều người lầm tưởng.
Hơn nữa, rượu và dược liệu giả, kém chất lượng, dược liệu nhiễm kim loại nặng (chì) hiện nay tiêu thụ tràn lan trên thị trường, nếu người dùng không thể nhận biết và phân biệt thì dễ “tiền mất tật mang”. Có nhiều trường hợp mua rượu bổ ngâm sẵn hoặc dược liệu về tự ý ngâm, sử dụng và xảy ra tai biến như ngộ độc, suy gan, suy thận cấp hồi phục hoặc diễn tiến suy thận mạn, nặng hơn là suy đa tạng, trụy mạch và có thể tử vong. Cũng như thuốc, dược liệu cũng có dược tính và độc tính, nên việc sử dụng cần được chỉ dẫn bởi các thầy thuốc y học cổ truyền để đảm bảo tác dụng, tránh nguy cơ ngộ độc, suy thận.