Hà Nội

Bảo vệ sức khoẻ xương khớp, phòng tránh nguy cơ loãng xương bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học

17-11-2021 16:12 | Y học 360
google news

SKĐS - Loãng xương diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng, đến khi có biểu hiện nặng mới phát hiện ra, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ. Vì vậy, cần có sự chăm sóc xương khớp đúng đắn từ sớm để dự phòng và tránh nguy cơ loãng xương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương như độ tuổi, chế độ sinh hoạt vận động, hay các bệnh lý phối hợp kèm theo. Loãng xương do độ tuổi thường gặp ở lứa tuổi trung niên trở lên, tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ người mắc loãng xương đang có xu hướng trẻ hoá.

Loãng xương gặp ở người trẻ liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Chúng ta chỉ chú trọng ăn ngon miệng nhưng không để ý đến lượng canxi và vitamin D đưa vào. Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt hàng ngày làm dụng thuốc lá, bia rượu bia cũng làm tăng thải vitamin D và canxi.Việc lười vận động, không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao cũng làm cấu trúc xương, cấu trúc cơ ít khoẻ mạnh.

Trong buổi truyền hình trực tuyến do Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống thực hiện vào 20h ngày 13/11 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, BV Việt Đức và PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra những sai lầm thường gặp trong việc chăm sóc sức khoẻ xương khớp, đồng thời tư vấn và đưa ra những lời khuyên trong chế độ dinh dưỡng và luyện tập, giúp bạn đọc có được cái nhìn đúng đắn để bảo vệ xương khớp, hạn chế nguy cơ loãng xương.

Bảo vệ sức khoẻ xương khớp, phòng tránh nguy cơ loãng xương bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học - Ảnh 1.

Một trong những sai lầm trong chăm sóc sức khoẻ xương khớp đến từ việc bổ sung thiếu canxi và vitamin D.

Viện Dinh dưỡng có điều tra quốc gia tính lượng tiêu thụ thực phẩm trung bình trong đó có tính ra giá trị dinh dưỡng của chất khoáng và canxi trong khẩu phần. Trong vòng khoảng 50 năm nay, khẩu phần của chúng ta mới đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu canxi mỗi ngày. Như vậy mỗi người chúng ta mỗi ngày vẫn còn thiếu khoảng 40-50% nhu cầu canxi mỗi ngày và cần đáp ứng bằng cách:

- Thay đổi chế độ ăn uống. Coi sữa là thực phẩm quan trọng, cần phải dùng hàng ngày.

- Có thể sử dụng canxi uống bổ sung hàng ngày. Với chế độ ăn không đủ canxi, chỉ uống bổ sung một liều lượng đủ bù vào chế độ ăn, đáp ứng nhu cầu thì không cần phải sử dụng quá nhiều canxi cùng một lúc.

Bổ sung phù hợp caxi, tùy thuộc khẩu phần ăn mỗi người. Nếu ăn đủ nhu cầu hàng ngày, người trưởng thành tuổi từ 20-50 (nữ), từ 20-60 (nam), khẩu phần ăn đạt 800mg canxi mỗi ngày thì không cần bổ sung canxi.

- Với phụ nữ mang thai, cần bổ sung 700mg canxi/ngày, nếu khẩu phần ăn chỉ đạt 500mg. Sau uống canxi nên vận động, không nên uống trước khi đi ngủ hay trước giấc ngủ trưa. Nên uống vào buổi sáng. Chia 2 lần, thì lần 2 uống vào khoảng 2h chiều.

- Đối với trẻ em, uống canxi với nhiều nước làm tăng thể tích dạ dày, dẫn tới no bụng, khó hấp thu bữa ăn, nên dùng dạng canxi dễ hấp thu như canxi gluconate ít lắng đọng, canxi nano giúp cho hấp thu tốt hơn.

- Uống canxi nên kèm với vitamin D, để tăng hấp thu canxi. Và càng tốt hơn nữa nếu có thêm vitamin K2 để hướng canxi đi vào xương, giúp tăng mật độ xương, tăng độ dài của xương.

Bên cạnh đó, một số quan điểm cho rằng người cao tuổi thì không nên tập luyện. Đây là quan niệm sai lầm, vì hệ cơ xương khớp là khối tổng thể thống nhất, hài hòa, khi không có sự vận động nào cả sẽ không có sự co cơ, không có sự vận động của khớp khung xương sẽ không được tốt, khi không vận động, khung xương sẽ bị mất đi, cơ yếu, khớp cứng, loãng xương sẽ nặng hơn.

Hoặc một số nguyên nhân khách quan phải nằm lâu như bệnh nhân ung thư, hậu phẫu nặng, sau mổ đa chấn thương hay bệnh nhân đau xương khớp … những trường hợp như vậy nằm lâu có sự hao hụt xương rất lớn.

Một sai lầm nữa cũng thường gặp là tình trạng vận động quá mức ở người cao tuổi như tập tạ, mang vác nặng… những việc này không tốt, làm tăng sức tì nén lên cột sống, nếu đã bị loãng xương nguy cơ lún cột sống rất cao.

Do vậy lời khuyên để dự phòng loãng xương với người cao tuổi là nên duy trì những bài tập đều đặn, mỗi ngày 30 phút buổi sáng và chiều và nên có sự chịu tỳ, chịu lực nhất định phù hợp với từng lứa tuổi là tốt nhất, ngoài ra nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng sự hấp thụ vitamin D.

Vận động là tốt và cần thiết nhưng chúng ta cần vận động phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của mình (thừa cân, thiếu cơ, thừa mỡ….), phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình (tim mạch, tăng huyết áp) để có bài tập phù hợp nhất.

Kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi và vitamin D cùng tập luyện phù hợp, có lối sống lành mạnh sẽ giúp mỗi người có được hệ xương khớp khoẻ mạnh và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Cảm ơn nhãn hàng NutriCare Bone - Chắc xương - dẻo khớp - tim mạch khỏe của Công ty Cổ phần dinh dưỡng Nutricare đã đồng hành cùng chương trình.



Việt Hồng
Ý kiến của bạn