Cuộc sống khốn khổ của người dân vùng ngập nước
Kể từ đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 21/7 đến nay, người dân 11 xã của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chịu cảnh làng biến thành sông. Nước ngập sâu khiến cuộc sống của người dân đảo lộn khi hàng ngày phải sống trong dòng nước bẩn, rác thải lềnh bềnh. Thiếu nước sạch sinh hoạt, mỗi hộ dân được xã cấp cho một vài bình nước lọc để dùng hết sức tiết kiệm. Điện bị mất, người dân chỉ dùng điện thoại vào việc nghe gọi cần thiết. Người dân nơi đây lo lắng tình trạng ngập lụt kéo dài sẽ khiến dịch tiêu chảy, bệnh ngoài da bùng phát.
Đội cơ động phòng chống dịch bệnh phối hợp với các xã vệ sinh môi trường sau ngập úng.
Các khu vực ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ đó là các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ hiện đang bị cô lập nhiều ngày nay với mức ngập sâu có nơi đến gần 2m. Để tiếp cận vào khu vực bị cô lập này, phải di chuyển dọc quốc lộ 6 giữa biển nước mênh mông nhấn chìm những cánh đồng lúa lớn. Nhiều nơi ngập sâu phải dùng cano và thuyền thúng hay bè tự chế của người dân mới tiếp cận được.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến - Phùng Thị Hậu cho biết, trên địa bàn xã có 4 thôn bị ngập nặng là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, trong đó Nam Hải bị ngập nặng nhất và bị cô lập nên TTYT huyện phối hợp với Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến đã thành lập Trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất cloraminB, phèn chua, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, không để dịch bệnh xảy ra... Tại các thôn khác, TTYT huyện và Trạm y tế xã đã tổ chức điểm cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại nhà các trưởng thôn.
Ông Đào Xuân Long, Giám đốc TTYT huyện Quốc Oai cho biết, một số cụm dân cư vùng thấp, trũng tại 5 xã (Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Ngọc Liệp) với 816 hộ dân bị ngập úng. Để đáp ứng công tác y tế, TTYT huyện và trạm y tế các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án đối phó với thiên tai và thảm họa theo phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Đồng thời, TTYT đã chủ động rà soát, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch, lập phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế và người bệnh khi xảy ra ngập úng để nhanh chóng cấp cứu, điều trị cho nạn nhân trong mọi tình huống. Đội cơ động phòng chống dịch phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường trước, trong và sau ngập úng. TTYT huyện đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu cho người dân và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. TTYT huyện đã cấp cho các gia đình bị ngập úng hóa chất để xử lý nước ăn gồm cloraminB 23kg; phèn chua 9kg và tại các điểm hộ dân bị ngập, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp trong mùa mưa bão như: thuốc tiêu hóa, thuốc bệnh về mắt, thuốc trị ngoài ra để cung cấp người dân.
Sẵn sàng ứng phó ngăn chặn dịch bệnh bùng phát
Trước tình hình ngập lụt còn kéo dài, ngày 1/8/2018, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra tình hình ngập úng trên địa bàn và công tác đáp ứng y tế, đảm bảo chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe người dân vùng ngập úng.
Chủ động ứng phó với dịch bệnh xảy ra nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân nơi đây, TTYT huyện Chương Mỹ và trạm y tế các xã đã phối hợp với BVĐK huyện Chương Mỹ, các trạm y tế 11 xã bị ngập úng nặng khám cho 1.544 người dân, tổ chức cấp phát 4.688 túi thuốc gồm thuốc tra mắt, thuốc ngoài da; 5.740 túi cloramin B; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng.
Song song với đó, cán bộ y tế của trung tâm và trạm y tế thôn đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường cho 347 hộ gia đình. Đặc biệt TTYT huyện đã thành lập 5 đội cấp cứu cơ động thường trực tại đê Tả Bùi sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
Sau khi khảo sát thực tế, thăm các hộ dân và nghe báo cáo, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị y tế huyện tiếp tục tăng cường công tác y tế đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Đặc biệt, TTYT huyện Chương Mỹ cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, rắn cắn, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước; các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng; chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xử lý xác súc vật chết; thu gom rác thải sinh hoạt và tiêu hủy đúng quy định không để ô nhiễm môi trường gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Lãnh đạo ngành y tế Hà Nội yêu cầu TTYT Dự phòng Hà Nội sớm cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút và dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện. Đối với Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, Bệnh viện Mắt Hà Đông và Bệnh viện Da liễu Hà Nội cần phối hợp với TTYT huyện Chương Mỹ cấp cứu kịp thời các trường hợp nặng, đáp ứng cơ số thuốc và tổ chức khám sức khỏe, tầm soát bệnh cho người dân... đảm bảo người dân được chăm sóc y tế tốt nhất.