Kiểu 1 ngày có 3 dạng thời tiết rất dễ khiến người cao tuổi ốm bệnh.
Trong tiết trời lạnh ẩm, người cao tuổi dễ mắc các chứng bệnh như: cúm mùa thường gia tăng trong mùa xuân. Nếu bị cúm, bệnh thường nặng và dễ xảy ra biến chứng viêm phổi, có những diễn biến xấu khó lường; các bệnh mạn tính như, viêm loét dạ dày - tá tràng, đau nhức xương khớp... cũng thường vượng lên; người bệnh tăng huyết áp, tim mạch và hen phế quản cũng thấy bệnh dễ tái phát... Trong thời tiết khó chịu, người cao tuổi ăn uống kém ngon miệng, các chứng đầy hơi trướng bụng, khó tiêu hóa cũng dễ “hỏi thăm”, giấc ngủ cũng chập chờn...
Để bảo vệ sức khỏe trong dịp này, các bậc cao tuổi cần lưu ý:
Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân. Giữ môi trường sống trong sạch, tránh xa khói bụi ô nhiễm. Năng tập thể dục phù hợp sức khỏe. Tập luyện đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống chóng tiêu...
Người cao tuổi nên duy trì tập luyện thường xuyên để bảo vệ sức khoẻ. Ảnh: TM
Về ăn uống, nên ăn ra bữa, tránh quá bữa, bỏ bữa nhưng cũng không ăn quá nhiều bữa; dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn no vừa phải, nên ăn giảm khối lượng thức ăn, chỉ nên ăn no bụng từ 70-80%. Một bữa ăn quá no như một stress tiêu hóa có thể gây ra những hậu quả xấu.
Người có bệnh tim mạch thì không nên ăn quá no sẽ làm máu dồn nhiều về dạ dày để tăng cường tiêu hóa thức ăn dẫn đến thiếu máu cục bộ ở cơ tim và não bộ làm phát sinh các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim; gây mất ngủ, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, giảm độ tập trung chú ý...
Bữa ăn của người cao tuổi nên giảm các thức có nhiều mỡ (như thịt đông, giò mỡ...), tránh ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol (gồm các loại thịt, nhất là thịt mỡ và các phủ tạng), nên ăn ít đường (hạn chế uống nước ngọt, ăn mứt, bánh kẹo), nhớ uống đủ nước, nên ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp cho cơ thể đủ lượng chất khoáng (đa lượng và vi lượng), các loại vitamin, nhất là các vitamin C, E, beta - caroten... là những chất chống ôxy hóa mạnh.
Các loại rau lá xanh, rau gia vị (như hành, húng, mùi, tỏi...) và nhiều loại quả chín (như cam, quýt, hồng, xoài chín, đu đủ chín, dưa hấu...) trong thành phần có nhiều vitamin C và beta - caroten là nguồn cung cấp các chất chống ôxy hóa giúp cơ thể ngăn ngừa quá trình peroxyd hóa màng tế bào, trung hòa các gốc tự do, bảo vệ màng tế bào, tránh cho cơ thể khỏi bị xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư...
Các chất xơ trong rau quả có tác dụng nhuận tràng, đồng thời dọn cholesterol thừa để thải theo phân, góp phần ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.
Như vậy, một chế độ ăn uống điều độ, vận động cơ thể thích hợp và một cuộc sống thoải mái có thể giúp bậc cao tuổi sống lâu, sống khỏe mạnh, sống có ích cho đời và cho con cháu.
Khi có triệu chứng bất thường trong cơ thể, người cao tuổi nên đi khám bệnh ngay.