Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Được bảo vệ cùng nhau
Chủ đề của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2019 là “Được bảo vệ cùng nhau: Tác dụng của vắc-xin” nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng đầy đủ trong suốt cuộc đời và đẩy mạnh các hoạt động với quy mô lớn hơn, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tiếp tục được bảo vệ cùng nhau.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường tại Lễ phát động Tuần lễ Tiêm chủng năm 2019 tại Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Ngọc
Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới phụ trách lĩnh vực tiêm chủng tại Việt Nam – bác sĩ Nihal Singh chia sẻ: “Được tiêm chủng là quyền của tất cả trẻ em. Hàng năm, khoảng 27 triệu trẻ em, tương đương 97% trẻ em ở khu vực Tây Thái Bình Dương được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản. Nhưng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin là không đồng đều giữa các quốc gia cũng như trong phạm vi một quốc gia. Tại Việt Nam, năm 2018, gần 87.000 trẻ em dưới một tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ và đa phần các em này thuộc các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở nông thôn và miền núi hoặc từ các gia đình nghèo, di cư sống ở thành thị.
Điều này tạo ra nguy cơ lây truyền cao cho các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Khoảng trống tiêm chủng trong bất kỳ cộng đồng nào đều sẽ là rủi ro cho tất cả các cộng đồng khác”.
Hệ lụy của trào lưu “anti vắc xin” và trì hoãn tiêm chủng
GS.TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: Tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam đạt 95% ở quy mô xã phường. Do vậy vẫn còn một phần nhỏ các cháu chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ do một vài nguyên nhân: địa bàn khó khăn vùng sâu vùng xa, chưa bao phủ được toàn bộ; trì hoãn, ngần ngại đưa con đi tiêm khi trẻ ốm; thêm vào đó là trào lưu chống vắc xin trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện khác.
Ngần ngại đi tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ là nguyên nhân chính khiến trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch. Trẻ cần tiêm chủng các mũi vắc xin cơ bản ngay trong các tháng đầu đời để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan B, lao, bại liệt, ho gà, bạch hầu, sởi... Song đây cũng là khoảng thời gian trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá với đa phần biểu hiện nhẹ. Trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm chủng để đưa ra chỉ định phù hợp với tình trạng sức khỏe; nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn ngần ngại không đưa con đi tiêm chủng. Việc trì hoãn này đã khiến nhiều trường hợp đáng tiếc mắc bệnh khi trẻ ở trong độ tuổi tiêm vắc xin.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và cán bộ Tổ chức y tế thế giới thăm trạm y tế xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Trào lưu “anti vắc xin” với quan điểm “Thuận với tự nhiên” cho rằng không tiêm chủng trẻ vẫn không mắc bệnh hoặc vắc xin gây hại đến sức khỏe của trẻ. Đây là quan niệm phiến diện, sai lầm, đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng và của chính con mình. Tổ chức Y tế thế giới coi việc do dự với vắc xin bao gồm việc từ chối hoặc không muốn tiêm chủng là một trong 10 mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019. Hiện nay vẫn còn nhiều bệnh truyền nhiễm đang lưu hành ở Việt Nam chưa được khống chế hoặc thanh toán do đó vẫn còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Nếu cha mẹ từ chối tiêm chủng cho trẻ hoặc trì hoãn tiêm chủng thì nguy cơ trẻ mắc bệnh là rất cao. Thực tế cũng cho thấy trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin, trẻ em lớn và người lớn không được tiêm chủng đã mắc bệnh sởi trong những năm gần đây.
Điều gì sẽ xảy ra?
Tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống thuận theo tự nhiên” hay không. Hàng rào miễn dịch bị phá vỡ. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vắc xin…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Bởi vì một thể trạng sức khỏe tốt nói chung chưa đủ để giúp trẻ thoát khỏi bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chỉ có miễn dịch đặc hiệu với từng bệnh mới giúp trẻ không mắc bệnh đó.
Ở nước ta, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn một trăm trẻ tử vong, khiến cho hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Đây vẫn mãi là bài học đắt giá cho hành động trì hoãn tiêm chủng, không tiêm chủng vắc xin sởi.
Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra chất lượng vắc xin tại điểm tiêm chủng xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Vi rút bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong… Bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.
Giai đoạn trước triển khai vắc xin 5 trong 1 thì nguyên nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não vi khuẩn là do vi khuẩn Hib, chiếm trên 60% trường hợp, tuy nhiên đến nay Hib không còn là nguyên nhân chính của các bệnh này nữa. Nếu tỷ lệ tiêm vắc xin này giảm xuống, nguy cơ hàng chục ngàn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.
Như vậy, từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng.
Chỉ khi triển khai trên diện rộng, vắc xin mới thực sự phát huy hết tác dụng
“Vắc xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất được trải qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, quá trình thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng và tính an toàn nghiêm ngặt trước được cấp phép lưu hành. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các lô vắc xin được kiểm định và chỉ những lô đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào sử dụng” - GS.TS. Đặng Đức Anh khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kiểm tra công tác tiêm chủng tại trạm y tế xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Vắc xin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90-95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không xảy ra.
Đưa thêm vắc xin mới - Thêm cơ hội phòng bệnh cho trẻ
Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng tiết lộ, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét các chiến lược sử dụng vắc xin, đưa thêm các vắc xin mới, sử dụng các vắc xin an toàn trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để có thêm cơ hội phòng bệnh cho trẻ. Vắc xin 5 trong 1 mới sẽ triển khai trên quy mô nhỏ ở 5 tỉnh tại khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên trong 3- 4 tháng sắp tới. Sau đó sẽ triển khai rộng rãi trên cả nước song song 2 loại vắc xin.
Về thành phần kháng khuyên thì hoàn toàn giống với vắc xin 5 trong 1 Combe Five hiện nay đang sử dụng, giá thành cũng tương đương nhau. Về tính an toàn: vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO. “Việc có thêm một vắc xin nữa để chúng ta thêm chủ động về nguồn cung ứng vắc xin cũng như đảm bảo không thiếu vắc xin trong tiêm chủng, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân”, GS. Đặng Đức Anh nói.
1. Vắc xin an toàn và hiệu quả.
2. Vắc xin phòng bệnh chết người
3. Vắc xin cung cấp khả năng miễn dịch tốt hơn so với nhiễm trùng tự nhiên
4. Các loại vắc-xin phối hợp đều an toàn và hiệu quả
5. Nếu chúng ta ngừng tiêm vắc xin, bệnh tật sẽ quay trở lại
Bất kỳ loại vắc-xin được cấp phép nào cũng đã được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi sử dụng để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho bạn và gia đình bạn.