Bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đại dịch COVID-19: Vai trò của giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang và rửa tay thường xuyên

21-07-2020 10:46 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay, thế giới đang đứng trước sự tàn phá đáng sợ của đại dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra. Tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia, diễn biến dịch bệnh lây lan trên diện rộng với cường độ mắc và tử vong rất cao; Xuất hiện dịch quay trở lại ở một số quốc gia khu vực và thế giới.

Theo số liệu cập nhật đến  9h sáng ngày 19/7, số người mắc COVID-19 trên thế giới là 14.374.138 người mắc, 603.002 người tử vong. 213 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc COVID-19. Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi... Nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Đại dịch COVID-19 căn nguyên do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các viện nghiên cứu trên thế giới đang tập trung nghiên cứu xác định về cấu tạo, đường lây, vắc-xin, thuốc điều trị hiệu quả cũng như cách phòng chống.

Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng dịch COVID-19 hiệu quả.

Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng dịch COVID-19 hiệu quả.

Tại nước ta, nhờ sự sáng suốt và quyết đoán của Trung ương và cả hệ thống đã phản ứng nhanh chóng, hiệu quả trong phòng chống đại dịch COVID-19; Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo rất kịp thời các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các chiến lược phòng chống dịch mạnh đã được áp dụng như: ngăn chặn nguồn dịch sớm, phát hiện sớm ca bệnh,

khoanh vùng ổ dịch chính xác, cách ly triệt để người bệnh và người nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời tổ chức xử lý ổ dịch tốt mà nước ta đã áp dụng. Tính đến ngày 19/7, Việt Nam bước sang ngày thứ 94 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam là một trong số rất ít nước đã khống chế thành công dịch COVID-19, không có ca tử vong. Để có được những thành công trong phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta cho đến nay là do có sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên đóng vai trò quan trọng.

Giãn cách xã hội hay “Cách ly xã hội” (tiếng Anh là Social distancing) là khái niệm mới được nhắc đến. Giãn cách xã hội được hiểu là biện pháp tránh tụ tập nơi đông người, nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn 1-2m với người xung quanh ở nơi công cộng, mục đích để hạn chế virus lây lan, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Chính phủ yêu cầu tạm đóng cửa trường học, người dân không được tụ tập, hủy bỏ những sự kiện đông người, hội nghị, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, dừng các hoạt động giải trí như quán bar, hộp đêm, karaoke, các phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện... Người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, trừ những việc bất khả kháng.

Ngay từ khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở nước ta, xác định tác nhân gây bệnh lây truyền chủ yếu qua đường không khí, Bộ Y tế đã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Virus gây bệnh COVID-19 lan truyền qua không khí nên khi 1 người bị bệnh COVID-19 ho, hắt hơi, họ có thể làm bắn ra rất nhiều giọt bắn mà mắt thường không nhìn thấy được trong đó có chứa nhiều SARS-CoV-2. Nhiều giọt bắn lớn sẽ nhanh chóng rơi xuống các bề mặt gần đó trong khi những giọt nhỏ hơn vẫn lơ lửng trong không khí, trong điều kiện thích hợp, virus có thể tồn tại trong nhiều giờ và vẫn lây nhiễm cho con người nếu hít vào. Vì vậy, việc đeo khẩu trang có hiệu quả ngăn chặn virus lây lan, phòng bệnh cho cả bản thân người đeo và cộng đồng xung quanh, đặc biệt là tại các khu vực có không gian kín, những nơi có hệ thống lưu thông khí kém.

Một trong những cơ sở của việc đeo khẩu trang rộng rãi và giãn cách xã hội nơi công cộng rất quan trọng trong chống dịch COVID-19 là do nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng (ước tính có khoảng từ 6-18%). Hơn nữa, thời gian ủ bệnh có thể lên đến 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Các trường hợp này có nguy cơ lan truyền virus ra môi trường không khí và lây bệnh cho người khác bất cứ lúc nào. Khi đó, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ thật sự có ích, có hiệu quả rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus từ người nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, do nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, tập quán, nhất là vấn đề cung ứng hàng hóa nên nhiều nước trên thế giới miễn cưỡng không khuyến khích người dân đeo khẩu trang vì lo sợ nhu cầu tăng vọt sẽ khiến nhân viên y tế tuyến đầu thiếu hụt khẩu trang. Trong khi một số nước, bất cứ ai đeo khẩu trang nơi công cộng có thể sẽ thu hút những cái nhìn thiếu thiện cảm do không quen với việc này thì ở một số nước khác bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Ở Việt Nam, bằng biện pháp tuyên truyền hiệu quả, người dân được khuyến khích đeo khẩu trang khi ra ngoài và thực tế là có rất nhiều người đã chủ động đeo khẩu trang đề phòng bệnh.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng là biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đây là biện pháp dễ thực hiện, dễ áp dụng ở khắp mọi nơi, không chỉ giúp phòng dịch COVID-19 mà còn có ý nghĩa với nhiều dịch bệnh khác đang lưu hành hiện nay.

Tóm lại, từ kết quả và kinh nghiệm thành công trong phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần tiếp tục thực hiện triệt để các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, của Bộ Y tế trong việc thực hiện giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để hạn chế virus lây lan ra cộng đồng; Cùng với các biện pháp khác như tăng cường xét nghiệm phát hiện ca bệnh, cách ly điều trị ca bệnh, kiểm soát và cách ly tất cả những người tiếp xúc với người bị bệnh, đó là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta trong thời gian tới.


PGS.TS. Trần Thanh Dương (Viện trưởng Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương)
Ý kiến của bạn