Tăng cường bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

29-05-2019 11:17 | Xã hội

SKĐS - Thông tin từ Văn phòng UBND TPHCM cho biết: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa có ý kiến chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cụ thể, UBND TP HCM vừa giao Thanh tra TP phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các quy định liên quan để ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 22/6/2010 của UBND TP về ban hành Quy chế bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng theo hướng cụ thể, chi tiết, đồng bộ.

Đồng thời, phân rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân bảo vệ người tố cáo; tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung cách thức khen thưởng để thực sự góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng không để lọt lộ thông tin, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.

Bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh minh họa)

Sở Nội vụ TP được giao chủ trì phối hợp Thanh tra TP, Công an TP, Ban Tiếp công dân (Văn phòng UBND TP) và cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND TP xây dựng kế hoạch rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, đơn vị có chức năng bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Được biết, trước đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/TU, triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Theo đó, về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: Các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ thành phố chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương, đơn vị thông qua sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, phương tiện thông tin đại chúng.

Nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc phạm vi mình phụ trách; sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện của cấp dưới; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp.

Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, các quy định của pháp luật, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, kiến nghị hoàn thiện các quy định để thực hiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này...

HĐND các cấp tăng cường hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phản biện và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập, chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo theo quy định.

Về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo, phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo: Củng cố, kiện toàn, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, đơn vị có chức năng bảo vệ người tố cáo.

Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo nhưng không làm tròn trách nhiệm; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ. Động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những yếu kém trong công tác bảo vệ người tố cáo.

Về tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, ngưòi đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành đánh giá sơ kết kết quả công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thường xuyên và định kỳ.


Xuân Tùng
Ý kiến của bạn