Hà Nội

Bảo vệ môi trường y tế: Tuyến tỉnh cần có đơn vị làm đầu mối để thực hiện

26-11-2009 20:05 | Thời sự
google news

Ngày 26/11/2009, tại Hải Dương, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo về Bảo vệ môi trường y tế cho hơn 60 đại biểu của các Sở Y tế,

Ngày 26/11/2009, tại Hải Dương, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo về Bảo vệ môi trường y tế cho hơn 60 đại biểu của các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện tỉnh của 10 tỉnh/thành phố phía Bắc gồm: Hải Dương, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang và Hải Phòng.

Mục đích của Hội thảo: đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ Bảo vệ môi trường y tế nói chung và tình hình xử lý chất thải y tế nói riêng; triển khai kế hoạch Bảo vệ môi trường của ngành y tế giai đoạn 2009 - 2015; Những vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế - xử lý và hướng khắc phục; Giới thiệu một số công nghệ xử lý chất thải y tế không đốt, thân thiện với môi trường và kinh nghiệm quản lý chất thải y tế của Nhật Bản; Đồng thời, chia sẻ thông tin và bàn đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các địa phương.

 TS. Trần Đắc Phu phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu đã trao đổi đưa ra những bất cập trong vấn đề xử lý chất thải y tế tuyến tỉnh hiện nay như: đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống xử lý chất thải còn hạn hẹp do thiếu kinh phí; Ngân sách dành cho công tác quản lý chất thải chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế; Cán bộ thực hiện quản lý chất thải còn thiếu, nhiều đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện  việc xử lý chất thải y tế; Nhận thức của cán bộ y tế về các văn bản liên quan đến quản lý môi trường y tế và trình độ kỹ thuật về xử lý chất thải còn hạn chế; Sự phân công, phân nhiệm của các ngành trong quản lý chất thải  hiện chưa rõ ràng và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trong việc chỉ đạo và thực hiện vấn đề này.

Tại hội thảo,TS. Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường đã nêu lên tầm quan trọng và tính bức xúc của nhiệm vụ Bảo vệ môi trường y tế hiện nay và khái quát nhiệm vụ của ngành y tế tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Công tác tổ chức quản lý chỉ đạo (xây dựng các văn bản, hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiện toàn tổ chức cán bộ...); Công tác đầu tư xử lý chất thải bao gồm xử lý chất thải rắn và lỏng. Đối với xử lý rác: nhấn mạnh việc xử lý rác thải tập trung và áp dụng công nghệ không đốt thân thiện môi trường như hấp ướt, vi sóng... Đối với chất thải lỏng cần áp dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Nhiệm vụ quan trắc đánh giá sự ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ; Vấn đề tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và đầu tư trang thiết bị để mạng lưới cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường thực hiện nhiệm vụ và công tác kiểm tra giám sát.

 TS. Phu cũng chỉ ra những hạn chế trong việc bảo vệ môi trường tại các địa phương như chưa có đơn vị đầu mối tại các tỉnh, không có kế hoạch cụ thể; Thiếu nhân lực, kinh phí, cơ chế tài chính đầu tư cho nhiệm vụ; Thiếu sự phối hợp liên ngành cũng như các đơn vị trong ngành y tế và việc đầu tư công nghệ không phù hợp kém hiệu quả, kiểm tra giám sát không thường xuyên... Đây là những vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết.

TS. Phu đề nghị, sở y tế các tỉnh cần xác định và phân công cụ thể đơn vị làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ trên như có thể giao cho TTYT dự phòng tỉnh...; Tiến hành rà soát việc thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương, đặc biệt thực hiện các văn bản hướng dẫn chỉ đạo và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; Đánh giá thực trạng việc xử lý chất thải y tế; Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường của y tế các tỉnh báo cáo Bộ Y tế; Có kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; và phối hợp tốt với ngành Tài nguyên môi trường các tỉnh trong việc chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ.

 

Một số văn bản chính đã được Chính phủ và Bộ Y tế ban hành liên quan đến Quản lý chất thải y tế

- Luât Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006.

- Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về Quản  lý Chất thải rắn.

- Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 về Hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại của Bộ Tài nguyên Môi trường.

- Qui chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Qui chế bệnh viện ban hành kèm theo quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Thông tư số 18/2009/TT-BYT ngày 14/10/2009 về Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.

- Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó có chương trình xử lý chất thải bệnh viện với mục tiêu đến năm 2010 xử lý 100% chất thải bệnh viện.

- Chương trình hành động của Chính phủ trong "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có 84 bệnh viện" theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ thị số 17/2008/CT-TTg ban hành ngày 5/6/2008 về "Một số giải pháp cấp bách đẩy mạnh công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg".

- Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/12/2005 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010, trong đó có mục tiêu xử lý 100% chất thải rắn y tế nguy hại  bằng những công nghệ phù hợp.   
 VMT

Thu Hằng

Chuyên mục này có sự phối hợp của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế


Ý kiến của bạn