Hà Nội

Bảo vệ môi trường sống giúp ngừa bệnh trọng

22-02-2020 09:37 | Đời sống
google news

SKĐS - Hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.

Nếu chúng ta không chung sức giữ gìn bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên thì có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Chúng ta cần ôxy trong không khí để thở

Nếu không có ôxy, chúng ta sẽ không thể tồn tại được. Ôxy được sản sinh ra từ sự quang hợp của cây xanh trong các khu rừng, trong công viên, đồng ruộng. Đó chính là lá phổi xanh của chúng ta. Như vậy, nguồn cung cấp ôxy cho chúng ta không phải là vô tận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng đã làm biến mất nhiều cánh rừng rậm khiến nguồn cung cấp ôxy bị cạn kiệt nhanh chóng. Một điều không may là không chỉ con người dùng ôxy để thở mà tất cả các ngành công nghiệp, giao thông vận tải đều tiêu thụ ôxy cho việc đốt dầu, xăng để tạo năng lượng cho các động cơ. Do vậy, lượng ôxy bị tiêu tốn trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt tốn gấp hàng triệu lần lượng ôxy để thở của chúng ta. Như vậy, lượng ôxy tiêu thụ chẳng bao lâu nữa sẽ vượt quá nguồn cung cấp.

Trầm trọng hơn nữa là không khí chúng ta thở cũng lại bị đầu độc bởi các bụi khói công nghiệp, cát bụi của các công trình xây dựng, khói của hàng triệu xe cộ thải ra hàng ngày. Chính các hạt bụi hóa chất độc hại này khi xâm nhập đường hô hấp của chúng ta có thể gây nên các hậu quả nặng nề như bệnh bụi phổi, chứng ngộ độc kim loại nặng, hóa chất, dung môi hữu cơ. Hậu quả là sẽ gây ra một loạt bệnh đường hô hấp gây suy hô hấp. Khi đó, cơ thể thậm chí không thể sử dụng nguồn ôxy không khí một cách hiệu quả. Cơ thể thiếu ôxy sẽ gây ra các rối loạn nặng nề, cản trở hoạt động bình thường của tim, thận, não, các cơ quan cần ôxy nhất cho hoạt động bình thường của cơ thể.

Dọn vệ sinh môi trường phòng ngừa bệnh tật

Dọn vệ sinh môi trường phòng ngừa bệnh tật

Môi trường ô nhiễm sẽ gia tăng bệnh tật

Các hóa chất độc hại có mặt trong thức ăn, nước uống, không khí của chúng ta đã là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ bệnh tật như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp. Như vậy, chính ô nhiễm môi trường đã gây ra gánh nặng kinh tế và bệnh tật vô cùng lớn lao cho xã hội.

Hãy bảo vệ môi trường sống như bảo vệ ngôi nhà bạn

Sử dụng nguồn ôxy thiên nhiên một cách thông minh: Hãy làm xanh hóa ngôi nhà của bạn bằng cây xanh nếu có thể. Hãy đun nấu đơn giản hơn để giảm thời gian bếp núc. Khi đó, chính bạn có thể tiết kiệm lượng ôxy dùng để đốt cháy ga. Khi đi lại, đứng trước ngã tư có đèn đỏ, bạn nên tắt xe máy để giảm lượng xăng và ôxy tiêu thụ và giảm ô nhiễm không khí. Nếu hàng triệu người đi ôtô, xe máy làm điều này là đã tiết kiệm được một lượng ôxy khổng lồ. Nhà cửa cần xếp sắp đơn giản, tiện lợi, thoáng mát để có thể tránh lạm dụng dùng điều hòa.

Hãy tiết kiệm điện và nước sinh hoạt hàng ngày: Sử dụng nước vừa đủ cho nhu cầu, tránh lãng phí nước là việc ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Chúng ta có thể tắm sạch sẽ mà không cần sử dụng bồn tắm thường xuyên. Tránh để hư hao, rò rỉ nước qua các đường ống. Hãy mua các thiết bị gia đình tiết kiệm nước như thiết bị vệ sinh, máy giặt và dùng chế độ tiết kiệm nước. Hãy tắt đèn khi ra khỏi phòng hay tắt các thiết bị điện như máy tính khi không dùng.

Dùng thức ăn sạch sẽ, lành mạnh: Bạn hãy tránh xa những nguồn thức ăn không được chế biến sạch sẽ, an toàn. Chính thái độ của bạn khiến các nhà sản xuất phải suy nghĩ và áp dụng các biện pháp cần thiết. Chính phong trào người dân không dùng bột ngọt của một công ty đã buộc công ty phải bồi thường cho nông dân bị thiết hại do nước thải công nghiệp được tuôn thẳng ra sông.

Hãy hạn chế các thực phẩm rán, quay, nướng, các thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản vì đó có thể gây ung thư. Hạn chế dùng các sản phẩm thịt do việc  chăn nuôi chế biến thịt cũng rất tốn kém năng lượng và gây ô nhiễm.

Cố gắng tạo một môi trường sống xanh sạch đẹp cho ngôi nhà và nơi làm việc của bạn: Môi trường thoáng đãng, vệ sinh sẽ làm tăng năng suất lao động của bạn và làm cho bạn có cảm giác nghỉ ngơi, thư giãn. Âm nhạc, tranh ảnh, cây cảnh, tác phẩm điêu khắc cần luôn luôn có mặt trong môi trường sống của bạn. Vệ sinh dọn dẹp môi trường thường xuyên cần trở thành một thói quen trong cuộc sống.


BS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn