Bảo vệ môi trường Kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long: Luôn có tính thời sự cấp bách

19-08-2019 09:42 | Xã hội

SKĐS - Trong bài này, chỉ xin bàn về việc xả thải làm ô nhiễm môi trường nguồn nước vịnh Hạ Long.

Khoảng 10 năm trước đây, Quảng Ninh có sáng kiến đưa bến tàu du lịch vịnh Hạ Long sang Tuần Châu, cách bờ Hồng Gai bên này khoảng 10km theo đường chim bay (còn đường bộ khoảng 25km). Đã thế, khi có cầu Bãi Cháy, các vị khách trung ương, các vị lãnh đạo tỉnh và nhân dân đi qua cầu cao 50m ở phía xa, thế là cả một dải ven bờ vịnh Hạ Long rất dài phía bên này, trừ những người già sáng chiều đi bộ ở ven bờ như chúng tôi, còn thì không mấy ai ngó tới nữa. Rác trôi trên nước và táp lên bờ, cũng không ai vớt lên hay thu gom. Lâu rồi thành quen. Và chỉ vài tiếng sau, nước triều lên, cao 2m, 3m, có khi với độ chênh cao nhất lên đến 4m, sẽ phi tang, cuốn hết một phần rất lớn ra biển.

Cách đây chưa lâu, trong một cuộc họp cử tri, tôi có thưa rằng, các cống rãnh của các khu dân cư và của cả các bệnh viện ở TP. Hạ Long đều chảy thoải mái ra vịnh mà không qua, hoặc rất ít qua xử lí, bằng chứng là nước đen và hôi thối. Đến nay tình hình vẫn không cải thiện được là bao. Chỉ có 2 cái cống chảy qua Thành ủy và chảy từ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hạ Long, mà sáng nào tôi cũng đi bộ qua, là gần đây có cải thiện rõ rệt.

Thu gom rác trên vịnh Hạ Long. Ảnh: TQ

Thu gom rác trên vịnh Hạ Long. Ảnh: TQ

Nhưng đáng lo ngại hơn cả, là cứ sau mỗi cơn mưa, nước chảy từ chân cầu Bãi Cháy ra vịnh Hạ Long đỏ quạch màu rỉ đồng. Lúc 18 giờ 47 phút ngày 26/7/2019, tôi có gửi thư cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, qua hòm thư điện tử công vụ, nguyên văn như sau: “Chiều nay tôi đi tắm biển tại phường Yết Kiêu (TP. Hạ Long - nơi UBND phường Yết Kiêu cho phép tắm) nhưng tôi đến đó rồi về, nhân tiện (quay lại) đi dọc bờ biển đến tận cầu Bài Thơ đang xây dựng và xác nhận nước đỏ màu rỉ đồng đỏ quạch đang tiếp tục chảy ra vịnh Hạ Long, từ sau cơn mưa sáng nay.

Nhiều người dân cho biết rằng đây là hóa chất của các nhà máy ở Hoành Bồ, họ trữ nước lại, cứ nhân có mưa là họ tháo phi tang ra vịnh Hạ Long. Nước chảy dài có màu đỏ phải đến khoảng trên dưới 20km. Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu rồi. Tôi đã đề nghị các đồng chí cho kiểm tra ngay để xác minh điều dân nói mà tôi phản ánh có đúng không?

Ngày thường nước rất trong, tôi đi tắm biển ở đây (về nhà người rất ngứa, nổi mẩn đỏ - câu này tôi bổ sung, không có trong thư) khi về tắm nước ngọt ở nhà, rũ cái quần tắm, 4-5 lần nước, màu rỉ đồng (như màu hiện đang nổi trên mặt nước vịnh Hạ Long) vẫn không sạch hẳn. Lần nào cũng vậy. Thì ra nước vịnh Hạ Long, tuy nhìn bằng mắt thường vẫn trong xanh, nhưng thực chất đã nhiễm hóa chất này từ rất lâu rồi.

Tôi đã đề nghị lập một đoàn kiểm tra sự phản ánh của nhân dân (như tôi đã nói trên) xem có đúng không, để một mặt khắc phục hạn chế do hóa chất thải ra vịnh Hạ Long, mặt khác xử lí các nhà máy trên (nếu có) tùy mức độ và buộc họ, cũng tùy mức độ, mà chịu trách nhiệm trước cảnh quan môi trường vịnh Hạ Long và thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tôi đã có thư phản ảnh lần thứ nhất về việc này với các đồng chí rồi. Nay tôi phản ánh lần thứ hai. Rất mong được các đồng chí lưu ý. Tôi rất cảm ơn.”

Ngày 31/7/2019, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hoàng Bá Nam, thừa lệnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã ký Công văn số 2003 - CV/TU gửi Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh (1 bản gửi cho tôi) nguyên văn như sau: “Thường trực Tỉnh ủy, nhận được nội dung phản ánh của ông Trần Nhuận Minh, gửi qua hòm thư điện tử công vụ, về việc gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long, nghi do hóa chất của các nhà máy ở Hoành Bồ thải ra (phản ánh lần thứ hai).

Về nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thông tin phản ánh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp liên quan (nếu có), báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý các nội dung trên về Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 10/ 8/ 2019, đồng thời thông báo cho ông Trần Nhuận Minh (qua hòm thư điện tử ) được biết”.

Tôi rất hoan nghênh Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiếp thu phản ánh của công dân và có biện pháp giải quyết ngay. Hy vọng trước mắt, với việc kiểm tra xem xét xử lý đó sẽ hạn chế được phần nào sự vô trách nhiệm đối với môi trường, với sức khỏe của nhân dân, nhất là những người sống ở ven biển, ở trên biển, hoặc thường xuyên đi tắm biển. Còn lâu dài, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét - điều này tôi nói cũng đã lâu trong các cuộc họp cử tri, hoặc có dịp gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh - tiến hành di chuyển các nhà máy này vào sâu trong đất liền, với hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, không thể để các nhà máy ở ngay bên bờ vụng Cửa Lục, liền một dải nước dưới chân cầu Bãi Cháy với vịnh Hạ Long, cứ nhân cơn mưa lại xả nước thải, trong đó nghi có hóa chất độc hại, chảy ra vịnh Hạ Long, như những phản ánh của nhân dân, mà Tỉnh ủy đã cho kiểm tra.

4h chiều ngày 13/8, tôi nhận được Công văn số 4854/ TNMT - BVMT, đề ngày 9/8 (dấu bưu điện chuyển đi là 12/8) của Sở Tài nguyên và Môi trường, do Phó giám đốc Phạm  Văn Cường, ký thay giám đốc, dài 3,5 trang, kính gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh (có 1 bản đóng dấu đỏ gửi cho tôi). Chúng tôi rất hoan nghênh sự vào cuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua công văn này, mới biết Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh quản lý nhà nước về môi trường, các cơ sở công nghiệp bên bờ vịnh Cửa Lục (gọi là vụng thì đúng hơn.

Bản đồ của Pháp ghi tiếng Việt là “vũng” Lục Thủy), có khả năng xả thải xuống vịnh Hạ Long qua vụng Cửa Lục, gồm: “Khu công nghiệp Cái Lân, Cụm công nghiệp Hà Khánh, Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Nhà máy xi măng Hạ Long, Nhà máy xi măng Thăng Long, Cụm cảng Làng Khánh, Cảng bốc xếp hàng hóa, Bãi chứa vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Bài Thơ, Công ty cổ phần Thương mại Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp 368, Trung tâm xử lý chất thải rắn xã Vũ Oai và xã Hòa Bình huyện Hoành Bồ của Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO... ” (... nghĩa là chưa kể hết, mà đây mới chỉ là một góc ở phía bắc khu đô thị Hồng Gai cũ - một trong nhiều nguồn xả thải xuống vịnh Hạ Long - Tôi băn khoăn còn Nhà máy Dầu thực vật Cái Lân, một nhà máy lớn, cần phải được kể đến ở hàng trên cùng, có lẽ đã nằm chung trong Khu công nghiệp Cái Lân chăng?). Đã thế, trong những năm gần đây (vẫn tiếp theo công văn trên) “các hoạt động san lấp mặt bằng phát triển đô thị, như dự án đang triển khai của FLC, Khu đô thị ngành than phường Hà Khánh, các dự án san lấp mặt bằng  khu vực xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ... Ngoài ra chất lượng nước vịnh (vụng) Cửa Lục còn chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động cảng biển, giao thông đường thủy, nạo vét luồng lạch, nước rửa trôi bề mặt của các bãi tập kết than nhỏ lẻ dọc hai bên bờ sông Diễn Vọng” (con sông có nguồn nước lớn nhất cùng với 5 con sông suối lớn nhỏ khác là 6, đổ nước qua vụng Cửa Lục - vì thế mà gọi là Cửa Lục - ra vịnh Hạ Long ). Như thế đủ biết, những nguồn có khả năng xả thải ra vịnh Hạ Long là rất nhiều, có lẽ rất ít người hình dung được.

Trở về với nội dung công văn trên của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. “Tại thời điểm khảo sát (ngày 6 /8/ 2019) không có hiện tượng nước đỏ màu rỉ đồng chảy ra vịnh”. Tôi nghĩ là đúng, nó chỉ chảy ra cùng với cơn mưa. Mưa đã tạnh từ 9 giờ sáng ngày 26/7, nước còn đỏ tiếp đến 4 - 5 ngày sau thì trong dần, đến ngày 6/ 8, tức là 12 ngày sau, nước không còn đỏ nữa.

Báo cáo cũng cho biết, ngày 6/ 8, Sở đã lấy mẫu nước ở 4 nơi là Khu đô thị Hà Khánh A, Cảng bốc xếp vật liệu Hà Khánh, Cảng Cái Lân và Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, thấy “các thông số kỹ thuật về môi trường đều trong Quy chuẩn cho phép” chỉ có “Thông số amoni vượt quy chuẩn, nguyên nhân chủ yếu là tiếp nhận nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư chưa được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung và nước mưa chảy tràn qua bề mặt cảng Cái Lân chứa vật liệu rời, dăm gỗ gây ô nhiễm nguồn nước”. Sau đó, báo cáo nêu những khảo sát của Sở từ những ngày trước, trước khi có ý kiến phản ảnh của công dân 1 tháng (26/7) đó là  các ngày 20/6, 26/6 và 28/6, trong đó nêu, những ngày trên - tức là những ngày trước ngày công dân phản ánh 1 tháng -  ở một trong những địa điểm khảo sát, nước có “màu nâu đỏ bất thường trong khoảng thời gian nhất định là do hiện tượng “Tảo nở hoa”, không có hiện tượng cơ sở sản xuất hóa chất xả nước thải trực tiếp xuống sông Diễn Vọng”.

Tôi thông báo lại với những công dân đã phản ánh với tôi, với các bạn già cùng tôi tắm biển: Hãy tin vào con dấu đỏ của cơ quan quản lý nhà nước. Một ông già trên 80 tuổi, đã có non 30 năm làm việc văn phòng. Ông cười mà rằng, trong đời ông, ông đã soạn thảo nhiều văn bản đại loại như thế này, nên cũng hiểu. Cái khó là vừa đá bóng vừa thổi còi.

Riêng điều này thì tôi xác nhận là có kết quả rõ rệt. Quần tắm biển của tôi bây giờ rũ trong nước ngọt chỉ có màu vàng hơi nhạt,  rũ 2 lần nước đã sạch rồi, không có màu rỉ đồng đỏ như trước, cũng không phải rũ đến 4 -5 lần nước cũng không sạch như trước. Trước đây, cứ có mưa là sau đó 1 vài ngày không thể tắm biển được. Bây giờ thì có mưa vừa (chưa thấy có mưa to) sau khi mưa tạnh, hoặc mưa sáng, đến chiều vẫn tắm biển được. Tảo không thấy nở hoa. Chỉ được như thế thôi, kết quả sau kiểm tra, cũng đã tốt lắm rồi.


TRẦN NHUẬN MINH
Ý kiến của bạn