Cuối tháng 9, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã công bố kết luận xác định nguyên nhân của hiện tượng bụi bao trùm toàn thành phố do không khí ô nhiễm kết hợp độ ẩm cao. Kết quả đo lường chất lượng không khí tại 30 vị trí trí khác nhau cho thấy hàng loạt các chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM10, PM2.5, CO, SO2… Đây là loại bụi mịn được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Nguyên nhân gia tăng các chất ô nhiễm là do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng. Cùng với nền nhiệt độ thấp có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù. Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Cùng thời điểm này tại Hà Nội, các kết quả quan trắc chất lượng tại 10 trạm quan trắc tự động của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cũng cho thấy chất lượng không khí suy giảm tới ngưỡng kém và xấu, trong đó nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao. Cụ thể, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bụi “thủ phạm” gây bệnh hô hấp
Thống kê từ BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho thấy, tình hình các bệnh lý đường hô hấp đang gia tăng. Tháng 9 và những tuần đầu tháng 10, hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh hô hấp, hen suyễn.
BS.CKII. Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú khoảng 280 - 300 lượt bệnh/ngày. Một số bệnh lý như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen diễn tiến bệnh nhanh và nặng.
Theo BS. Phong, bệnh tăng cao là do tăng theo chu kỳ, đỉnh điểm là tháng 9 - 11 hàng năm khi chuyển mùa. Đặc biệt năm nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta diễn tiến bất thường với các chỉ số ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức báo động cũng là yếu tố nguy cơ, góp phần làm cho trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Tình hình cũng diễn ra tương tự tại BV. Nhi đồng 1 và Nhi đồng Thành phố với số ca mắc bệnh hô hấp đang ở mức cao. Một trong những nguyên dẫn đến tình trạng này được cho là do không khí ô nhiễm.
BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố TP.HCM nhận xét, bụi mịn PM2.5 là loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micron. Người dân có thể cảm nhận được nồng độ bụi mịn tăng lên khi trong không khí có một lớp “sương mù”, giảm tầm nhìn. Chỉ số bụi mịn càng cao, nguy cơ nó gây nên cho hệ hô hấp của người dân khi tiếp xúc sẽ càng lớn.
BS. Tiến khuyên phụ huynh nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài, nhất là vào buổi trưa hoặc buổi chiều bởi thời gian này dưới hoạt động dày đặc của các phương tiện giao thông cộng cùng với nhiệt độ cao có thể khuấy động bụi, chất độc trong không khí khiến trẻ rất dễ hít phải khói bụi độc hại và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Trong trường hợp phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi. Phụ huynh nên cho trẻ mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che kín quá mức vì có thể khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.
Nơi nào dễ “dính” không khí ô nhiễm?
Nghiên cứu đánh giá nguy cơ mắc các chứng bệnh hô hấp do tiếp xúc ô nhiễm không khí của các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau được TS. Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM thực hiện bằng phương pháp điều tra dịch tễ cho thấy nhóm người sinh sống trong các căn nhà có nguy cơ phát sinh bụi cao hơn nhóm có điều kiện kinh tế xã hội cao như nhà chưa kiên cố.
Những người sống trên sàn nhà chưa hoàn chỉnh, số lượng phòng ít, không có bếp riêng, điều kiện thông thoáng kém, mật độ người trong hộ cao, tỷ lệ người hút thuốc cao, thường xuyên đốt nhang thờ cúng và nhang muỗi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và dễ mắc bệnh hô hấp hơn. Cụ thể, trẻ sống trong môi trường này có nguy cơ bị mắc các chứng bệnh hô hấp như sổ mũi, ho, viêm phế quản, viêm tai giữa cao hơn trẻ em sống trong môi trường trong lành.
Kết quả nghiên cứu cho thấy để giảm thiểu phơi nhiễm bụi cá nhân của người dân cần chú ý việc giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm do giao thông, công nghiệp, cải thiện điều kiện nhà ở và sinh hoạt, nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí.
Giải pháp tránh bụi
Với trẻ em: BS.CKII. Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2 khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động bảo vệ trẻ tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh hay làm bệnh nặng hơn bằng cách:
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên giặt giũ chăn, màn, chiếu gối, hút sạch bụi bẩn trong nhà.
- Đóng kín cửa ở những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.
- Vệ sinh máy lạnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh vi khuẩn tích tụ trong nhà.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá khi gia đình có trẻ em vì khói thuốc rất nguy hiểm đến sức khỏe trẻ em. Hệ hô hấp của trẻ vốn rất nhạy cảm so với của người lớn.
- Không đưa trẻ ra đường khi không cần thiết. Nếu phải ra đường, cần cho bé đeo khẩu trang lọc bụi đạt tiêu chuẩn.
- Tập cho bé thói quen uống nhiều nước
- Tăng cường vệ sinh mũi họng bằng sản phẩm phù hợp với từng độ tuổi để làm sạch đường thở.
Khi trẻ có các triệu chứng như ho, hắt hơi, chảy nước mũi…, phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên gia y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Với người lớn: Nên hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể dục tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.
Khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Trong khi đó, khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30 - 40% lượng bụi. Để ngăn được những loại bụi có kích thước siêu nhỏ như PM 2,5, chúng ta cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng.
Bên cạnh đó việc nên đeo kính áp sát mặt và trán để tránh bụi làm ảnh hưởng đến mắt, mặc áo khoác, đội mũ khi ra đường.
Đảm bảo toàn bộ cơ thể hoạt động tốt như một hệ thống phòng ngự bằng cách tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng. Luôn giữ nhà cửa thoáng mát, lưu thông không khí. Dùng máy lọc không khí có thể giảm đáng kể lượng bụi và các chất gây dị ứng.
Sử dụng khẩu trang như thế nào?
TS. Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM, nhận định khẩu trang lọc được bụi tốt phải đáp ứng hai điều kiện gồm độ kín và lớp lọc đảm bảo chất lượng. Vì là thiết bị lọc nên khẩu trang phải đảm bảo độ kín để không khí phải đi qua khẩu trang trước khi đi vào hệ hô hấp. Nếu không đảm bảo độ kín, không khí ô nhiễm có thể theo những đường này xâm nhập vào hệ hô hấp.
Độ kín: Khẩu trang đảm bảo độ kín là những khẩu trang có hình dáng tròn, có thể ôm sát mặt người sử dụng hoặc một số khẩu trang gấp (folded mask). Vì vậy, khi sử dụng khẩu trang chúng ta cần vuốt gọng nhôm ôm sát sống mũi và phần tiếp xúc với mặt phải kín. Với những khẩu trang hình chữ nhật thông thường như khẩu trang y tế, độ kín không đảm bảo, chỉ thích hợp sử dụng trong môi trường y tế (ngăn, lọc dịch tiết do hắt hơi, nói chuyện...).
Lớp lọc: Để loại bỏ được các hạt bụi, khẩu trang thường có từ 4 - 5 lớp lọc gồm lớp vải không dệt lọc bụi thô, lớp lọc bụi nhỏ, lớp tĩnh điện lọc bụi mịn, lớp than hoạt tính lọc hóa chất và lớp thoáng tiếp xúc trực tiếp với da mặt. Những loại khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế chỉ có thể lọc được bụi thô (bụi có kích thước hạt lớn 10 micron).
Sử dụng trong bao lâu: Các loại khẩu trang khuyến cáo chỉ được sử dụng một lần. Nếu tiết kiệm cũng chỉ nên sử dụng tối đa 3 - 5 ngày vì bất kỳ khẩu trang nào dùng nhiều lần sẽ nhàu nát, thấm mồ hôi làm rách các lớp lọc. Bên cạnh đó, lớp lọc bị thoái hóa hoặc dơ, làm mất tính năng lọc bụi. Thông thường khẩu trang mới sẽ ít ngửi thấy mùi hắc, khét của không khí ô nhiễm, khi khẩu trang mất tác dụng lọc bụi mịn khả năng này sẽ bị giảm đi.
Khẩu trang không được làm từ vải sau khi sử dụng không nên giặt bởi sẽ phá vỡ chức năng lọc bụi mịn của than hoạt tính. Khẩu trang có thể phơi nắng để làm bay một số chất ô nhiễm hấp thụ bên trong. Hiện nay các loại khẩu trang nhập khẩu được giới thiệu và bày bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, khẩu trang thật, giả khó phân biệt. Do vậy, người mua nên chọn cửa hàng uy tín và xem kỹ thông tin xuất xứ, tiêu chuẩn, tính năng ghi rõ trên bao bì.