Viêm da tiếp xúc dị ứng hiếm khi gây ra bởi các thành phần của kem chống nắng, dù tỉ lệ này có thể thấp hơn thật sự. PABA và oxybenzone là những tác nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng thường gặp nhất, trong khi đó avobenzone, sulisobenzone, octinoxate, và padimate O có ít báo cáo phản ứng hơn.
Bảo vệ da chống nắng: Sử dụng kem chống nắng thế nào cho đúng?
Bệnh nhân với tiền căn bệnh da do ánh sáng và chàm có khuynh hướng bị dị ứng ánh sáng nên được tư vấn cẩn thận. Trong khi đó, salicylates, ecamsule và các chất vô cơ không thể xâm nhập vào lớp sừng, do đó phản ứng nhạy cảm ánh sáng ít khi xảy ra.
Một số báo cáo đã được thực hiện về vấn đề xâm nhập và ảnh hưởng toàn thân của các chất vô cơ vi hạt. Nghiên cứu của chính phủ Úc kết luận rằng phân tử nano kẽm oxit và titanium dioxit vẫn lưu lại trên bề mặt da mà không thấm nhập vào lớp sừng. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác chứng minh rằng phân tử nano titanium dioxit có thể đi qua màng tế bào và làm suy yếu các nguyên bào sợi ở lớp bì. Bằng cách phủ polymer những hạt này giúp ngăn hiện tượng kết dính với màng tế bào, do đó bảo tồn được chức năng của tế bào. Kẽm oxit và titanium dioxit vi hạt có thể khởi phát tình trạng chết theo chu trình của tế bào gốc thần kinh, mặc dù tác dụng này phụ thuộc vào liều dùng hơn là kích cỡ của hạt.
Kem chống nắng vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi
Một số chất chống nắng hữu cơ, như là oxybenzone và octinoxate, đã được phát hiện trong huyết tương và nước tiểu sau 4 ngày thoa kem chống nắng toàn thân. Nồng độ được sử dụng trong nghiên cứu này là 10% - mức tối đa cho phép của châu Âu, trong khi nồng độ tối đa được chấp thuận ở Hoa Kỳ đối với oxybenzone và octinoxate lần lượt là 6% và 7,5%. Bất chấp quan ngại này, lợi ích của việc sử dụng kem chống nắng thích hợp có thể lớn hơn nguy cơ ngộ độc. Để xác định chính xác nguy cơ hấp thu toàn thân các thành phần kem chống nắng, nghiên cứu thành phần của các công thức chống nắng thương mại sẽ hữu ích, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Mối quan tâm về tác động sinh estrogen của oxybenzone xuất hiện do kết quả của một nghiên cứu trên động vật sử dụng oxybenzone đường uống. Tuy nhiên, con người sẽ cần phải sử dụng oxybenzone hàng ngày trong 35 - 277 năm để đạt được mức oxybenzone tương ứng như ở những vật thí nghiệm này. Ngoài ra, oxybenzone đã được sử dụng ở Hoa Kỳ từ năm 1978 mà không có bất kỳ tác dụng nội tiết tố được báo cáo ở người.
Ít nhất 90% nhu cầu vitamin D của con người được tổng hợp nhờ sự tiếp xúc với tia UVB. Do đó, ảnh hưởng của kem chống nắng lên con đường tổng hợp vitamin D3 (cholecalciferol) qua da gây nhiều tranh cãi.
Sử dụng kem chống nắng với SPF15 có thể làm giảm tổng hợp vitamin D lên đến 98%, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D, tuy nhiên những nghiên cứu khác chỉ ra rằng sử dụng kem chống nắng đều đặn ít có ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D. Sự không nhất quán này có thể do một phần đáng kể vitamin D được hấp thu qua chế độ ăn và hầu hết mọi người sử dụng kem chống nắng không đủ liều lượng, thậm chí khi áp dụng một cách thích hợp, một số tia cực tím vẫn xuyên vào da. Tuy rằng Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) từng khẳng định rằng sự thiếu hụt vitamin D ở người khoẻ mạnh không liên quan đến sử dụng kem chống nắng, nhưng gần đây họ cho rằng sử dụng kem chống nắng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống có thể cần thiết.