Hà Nội

“Bảo vệ Blouse trắng” góp phần bảo vệ nhân vệ nhân viên y tế

31-08-2019 18:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 29/8/2019, tại Quảng Bình, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Bảo vệ Blouse trắng”. PGS.TS Phạm Thanh Bình – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chủ trì lớp tập huấn.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, đồng chí Đào Ngọc Thịnh – Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; Ths. Phạm Xuân Thành – Cục Quản lý môi trường Y tế, BSCKII Nguyễn Viết Giáp – Giám đốc bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng chí Ninh Văn Hiệu – Giám đốc công ty Topman… Lớp tập huấn có sự tham dự củahơn 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ công đoàn, cán bộ y tế các đơn vị khu vực miền Trung.

Công đoàn Y tế Việt Nam tập huấn “Bảo vệ Blouse trắng”PGS.TS Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, PGS.TS Phạm Thanh Bình chia sẻ: Cán bộ y tế, mà nhất là các bác sĩ là những người trải qua quy trình tuyển chọn và đào tạo khắt khe nhất, thời gian học tập kéo dài và phải xác định học tập suốt đời, nhưng lương khởi điểm của bác sĩ vẫn như cử nhân học đại học 4 năm. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta cũng thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị… Nhưng chưa hết, họ còn đối mặt với nhiều rủi ro về bệnh nghề nghiệp, căng thẳng về tâm lý, nguy cơ bị bạo hành cao…Trong khi đó, nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những hi sinh thầm lặng của cán bộ y tế chưa được truyền thông rộng rãi, chưa nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của người dân.

“Tại sao lại là “Bảo vệ Blouse trắng”? Áo blouse trắng là biểu trưng, thương hiệu của mỗi cán bộ ngành Y tế. Với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho hơn 95 triệu người dân, những năm qua, mỗi cán bộ nhân viên y tế đã không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của người bệnh. Thế nhưng, ai sẽ là người bảo vệ cho họ?” – Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, đó là lí do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn phát động chương trình “Bảo vệ Blouse trắng”. Lớp tập huấn này là một trong những hoạt động của chương trình và sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Một số nội dung chính của lớp tập huấn là: Công đoàn tham gia bảo vệ đoàn viên và người lao động ngành Y tế theo các quy định pháp luật như thế nào?; Hướng dẫn phòng và xử lý khi có bạo hành tại các cơ sở y tế; Áp dụng 5S để đảm bảo môi trường Xanh – Sạch – Đẹp và an toàn; Hướng dẫn phòng bệnh nghề nghiệp thông qua việc thực hiện An toàn vệ sinh lao động; Công táctruyền thông nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân đối với cán bộ, nhân viên y tế.

Công đoàn Y tế Việt Nam tập huấn “Bảo vệ Blouse trắng”Ths. Đào Ngọc Thịnh chia sẻ nội dung: “Công đoàn bảo vệ đoàn viên bằng pháp luật”

Công đoàn Y tế Việt Nam tập huấn “Bảo vệ Blouse trắng”BSCKII Nguyễn Viết Giáp – Giám đốc bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo chuyên đề thực hành 5S tại bệnh viện

Công đoàn Y tế Việt Nam tập huấn “Bảo vệ Blouse trắng” Ths. Phạm Xuân Thành – Cục Quản lý môi trường Y tế báo cáo nội dung về bảo hộ lao động

Sự vào cuộc của các cấp công đoàn y tế, sự nỗ lực của mỗi cán bộ công đoàn và sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, sẽ nối dài thêm cánh tay và những nỗ lực của Công đoàn Y tế Việt Nam trong hành trình “Bảo vệ Blouse trắng. Lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị và gợi ý một số hoạt động mà công đoàn các cấp có thể triển khai tại đơn vị. Cụ thể là: phát động phong trào thi đua phù hợp với điều kiện của đơn vị; tham gia tập huấn và giám sát về phòng, chống bạo hành Y tế, tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động và tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi; triển khai chương trình Sức khỏe Việt Nam gắn với cuộc thi Thách thức 10.000 bước chân… Đồng thời, tham gia cùng chính quyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách bệnh nghề nghiệp, các phụ cấp độc hại, khám sức khỏe định kỳ… cho người lao động.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến hết năm 2017, cả nước ghi nhận 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung.

Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện (BV) tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Theo nghiên cứu thực trạng bạo lực BV đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại BV Nhi Trung ương năm 2017: Có tới 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua; 65,3% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất; 42% điều dưỡng viên của BV bị mắc stress vì công việc.

 


Mai Khánh Chi
Ý kiến của bạn