Bảo vật quốc gia cần được bảo quản đặc biệt

10-05-2019 07:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bảo vật quốc gia được xem là những di sản của đất nước, cần được bảo tồn, gìn giữ để phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử tới cộng đồng.

Tuy nhiên gần đây, một số bảo vật quốc gia ở nước ta khi được bảo dưỡng, tu sửa... dẫn đến hư hại khiến những di sản này đứng trước nguy cơ “một đi không trở lại”. Có lẽ đã đến lúc các bảo vật quốc gia cần chế độ bảo quản đặc biệt?!

Hồi chuông báo động

Gần đây, bức tranh sơn mài nổi tiếng Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được công nhận bảo vật quốc gia, lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị hư hỏng khiến công chúng bức xúc. Bởi lẽ, Vườn xuân Trung Nam Bắc là tác phẩm tinh túy nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác trong 20 năm (từ 1969 đến 1989), đây cũng là một trong số tác phẩm tiêu biểu nhất của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Bức tranh mô tả các thiếu nữ Việt ba miền trong trang phục truyền thống từng vùng tươi vui, ca hát thể hiện sức sống tươi mới giữa mùa xuân trong một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn.

Trước thông tin bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hư hỏng làm dư luận dậy sóng, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã vào cuộc. Qua thanh tra thực tế ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật cho biết, công việc bảo quản phòng ngừa, vệ sinh bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc được Bảo tàng giao ông Lưu Minh Phụng, thợ sơn mài ở TP. HCM thực hiện. Tuy nhiên, do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài nên ông Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh... Từ đó, Cục Mỹ thuật đánh giá, về góc độ tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc đã bị hư hại khoảng trên 30%. Ngoài ra, ở góc độ hư hại về vật chất: các mảng vỏ trứng bị mài mòn, bị trơ ra, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn; nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế uyển nhã đan xen giữa mảng và nét. Từ đó có thể thấy hư hại về vật chất bề mặt bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc khoảng 15%.

Bảo vật quốc gia cần được bảo quản đặc biệtSau khi “vệ sinh”, bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc - bảo vật quốc gia bị hư hại nặng.

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên một bảo vật quốc gia bị làm hỏng, hư hại. Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) được dựng năm 1121, cao 2,88m, rộng 1,40m, chạm khắc tinh xảo hình rồng và mây nước, cùng áng “thiên cổ diễm văn” nổi tiếng. Tấm bia này đã được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013, nhưng không lâu sau đã bị phá hoại một cách không thương tiếc khiến báo giới tốn nhiều giấy mực, các chuyên gia cũng chỉ biết cảm thán hai từ: “kinh hoàng”.

TS. Trần Trọng Dương chia sẻ, bảo vật quốc gia Sùng Thiện Diên Linh đã bị phá hoại nghiêm trọng với một phương thức khá tàn bạo. Theo đó, một tốp thợ xây đã dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt... kì cọ mặt bia Sùng Thiện Diên Linh với ý định làm vệ sinh bia để người dân chiêm ngưỡng tấm bia này. Nhưng tấm bia Sùng Thiện Diên Linh khi được “làm vệ sinh”, người dân và các chuyên gia không khỏi xót xa bởi những nét rêu phong cổ kính ngàn năm bị xóa sạch, để lại những vết thương tích nặng nề trên bảo vật quý giá này. Bên cạnh đó, trán bia Long Đọi là nơi lưu giữ lối chữ phi bạch do chính Hoàng đế Lý Nhân Tông ngự bút, trải qua gần ngàn năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” cũng bị cào trầy xước phũ phàng.

Vì đâu nên nỗi?

Có thể thấy, hai bảo vật quốc gia kể trên bị hư hại, đứng trước nguy cơ “không thể cứu vãn” đều đến từ sự thiếu hiểu biết của con người trong công tác bảo tồn, tu sửa... Để xảy ra tình trạng này còn do đơn vị, cơ quan đang lưu giữ bảo vật quốc gia khi thấy tác phẩm, hiện vật có dấu hiệu xuống cấp đã không mời các chuyên gia tham gia đánh giá, khảo sát thực trạng tác phẩm, hiện vật để đưa ra các đánh giá về mức độ hư hại, qua đó đề ra các giải pháp thực hiện bảo dưỡng. Điều này đã được Cục Mỹ thuật kết luận đối với trường hợp bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc gần đây. Bên cạnh đó, theo Cục Mỹ thuật, các chuyên gia cũng không được mời vào giám sát, kiểm tra các công đoạn bảo dưỡng tác phẩm và việc lựa chọn, hợp đồng với người trực tiếp làm công việc bảo dưỡng, vệ sinh tác phẩm chưa đúng.

Qua sự việc bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hư hại do việc làm vệ sinh sai cách, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, các cá nhân liên quan cần rút kinh nghiệm sâu sắc, không nên tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, đặc biệt với hiện vật là bảo vật quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, bảo vật quốc gia cần phải được lưu giữ, bảo quản, ứng xử ở chế độ đặc biệt để bảo vật trường tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử với các thế hệ. Và để không còn xảy ra những tiền lệ, đại diện Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm gần đây cho biết, sẽ kiến nghị Cục Di sản văn hóa sớm tham mưu lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn