Bão Trà Mi giật cấp 15 khi vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 24/10, cơn bão TRAMI (tiếng Việt là Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo diễn biến bão (24 đến 72 giờ tới):
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
13h/25/10 | Tây, 10-15km/h, đi vào Biển Đông | 17,4N-117,8E; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa 690km về phía Đông | Cấp 9-10, giật cấp 12 | Vĩ tuyến 15,0N-19,5N; phía Đông kinh tuyến 115,5E | Cấp 3: phía Đông khu vực Bắc Biển Đông |
13h/26/10 | Tây Tây Bắc, 15-20km/h | 17,9N-114,1E; cách quần đảo Hoàng Sa 320km về phía Đông Đông Bắc | Cấp 11-12, giật cấp 15 | Vĩ tuyến 15,5N-20,5N; phía Đông kinh tuyến 111,5E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) |
13h/27/10 | Tây, khoảng 15km/h | 17,6N-111,1E; trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa | Cấp 11, giật cấp 13 | Vĩ tuyến 15,0N-20,5N; Phía Đông kinh tuyến 108,0E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) |
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Nam Tây Nam.
Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (89-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Chủ động ứng phó với bão Trà Mi
Để chủ động ứng phó với bão, ngày 24/10, Văn phòng Bộ Công an có Công điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân về việc chủ động ứng phó diễn biến bão Trà Mi và mưa lũ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng Bộ công an đề nghị Công an các đơn vị, địa phương chủ động thông tin về diễn biến của bão để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.
Đối với lực lượng Công an tại các khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Chủ động công tác phòng, chống bão, mưa lũ, kịp thời xử lý các tình huống ngay tại cơ sở, nhất là bảo đảm an toàn các hoạt động của người, phương tiện, tài sản trên biển, ven biển tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ. Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác an ninh, trật tự ở tất cả các địa bàn, không để chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.
Sẵn sàng mọi phương án phòng, chống thiên tai, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có công điện về việc chủ động ứng phó với bão Trà Mi và mưa lũ. EVN yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất cấp điện trở lại bảo đảm an toàn cho con người, thiết bị, đặc biệt tuân thủ theo Phiếu thao tác, Phiếu công tác/Lệnh công tác.
Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong phát quang hành lang tuyến, tuyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai; Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Đối với các cảng hàng không, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Đồng thời triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 23/10: Bức xúc vì bị chọc ghẹo, nữ sinh ở Tuyên Quang nhặt viên bê tông ném bạn học tử vong