Bảo tồn văn hóa cồng chiêng qua câu lạc bộ

20-08-2008 10:02 | Văn hóa – Giải trí

Trong những ngày qua, tại thị xã Gia Nghĩa, bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông hân hoan chào đón một sự kiện văn hóa quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến về chất cũng như về lượng trong công tác bảo tồn giá trị cồng chiêng của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn,

Trong những ngày qua, tại thị xã Gia Nghĩa, bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông hân hoan chào đón một sự kiện văn hóa quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến về chất cũng như về lượng trong công tác bảo tồn giá trị cồng chiêng của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, đó là sự ra đời của 8 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng đầu tiên của các dân tộc M'nông, Êđê, và Mạ.
CLB cồng chiêng bon Bu Boong, xã Đăk Búc So, huyện Tuy Đức trong lễ ra mắt. 
Đề án "Bảo tồn lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc" được triển khai cách đây 3 năm ở tỉnh Đắk Nông và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ngoài việc khôi phục được hàng chục lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trang bị cồng chiêng cho các bon, buôn, dạy đánh cồng chiêng cho hàng nghìn thanh niên dân tộc…, ngành Văn hóa và chính quyền cơ sở đã vận động bà con khôi phục và thành lập thêm được nhiều đội cồng chiêng truyền thống ở các bon, buôn.

Hiện có gần 100/128 bon, buôn trong tỉnh có đội cồng chiêng. Tuy nhiên, phần lớn các đội chiêng đều hoạt động không thường xuyên và trình độ diễn tấu của đại đa số nghệ nhân còn rất hạn chế. Điều khiến những người có tâm huyết lo ngại là nhiều đội cồng chiêng còn diễn tấu sai nhịp hoặc không đủ "nốt" theo các bài chiêng truyền thống.

 

Từ thực tế trên, nếu không định hướng kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng lệch lạc những giá trị truyền thống của cồng chiêng, nhất là chiêng M'nông. Do đó, công tác bảo tồn vốn đã khó khăn lại càng thêm phần khó khăn. Ngành Văn hóa Đắk Nông đã phải trăn trở rất nhiều, cuối cùng cũng tìm ra được phương pháp tối ưu khi thành lập CLB cồng chiêng trên cơ sở các đội cồng chiêng sẵn có với mục đích hướng công tác bảo tồn chuyển biến về chất.

Từ phương pháp tối ưu trên, 8 đội cồng chiêng xuất sắc, đã khẳng định tên tuổi từ nhiều năm nay ở 8 huyện, thị xã trong tỉnh, tề tựu về thị xã Gia Nghĩa để cùng nhau tiếp thu phương pháp hoạt động CLB cồng chiêng và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, truyền lại cho nhau những bài chiêng đang có nguy cơ thất truyền. Đó là các đội chiêng đến từ bon Pi Nao (Đăk R'lấp), Bu Boong (Tuy Đức), Bu Prâng (Đăk Song), Yun Jú (Đăk Mil), PhiMur (Đăk Glong), Nâm Nung (Krông Nô) và buôn Nui (Chư Jút)…

Trong thời gian một tuần, các đội chiêng M'nông đã cùng nhau trao đổi, học hỏi được 10 bài chiêng và 3 bài Goong đang có nguy cơ thất truyền. Việc nâng cao chất lượng cho các đội cồng chiêng cũng chính là mục đích của việc thành lập CLB cồng chiêng mà ngành Văn hóa hướng tới trong tương lai. Từ đây, 8 đội chiêng của các bon, buôn nêu trên đã chính thức chuyển hướng hoạt động sang hình thức CLB.

Trong dịp này, các nghệ nhân của 8 CLB cũng đã truyền cho nhau kỹ thuật diễn tấu khó, kỹ năng, kinh nghiệm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ và những kinh nghiệm về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng.

Nghệ nhân Điểu Tang, CLB chiêng bon Bu Boong phấn khởi cho biết: "Trước nay, đội chiêng của mình chỉ đánh được vài bài chiêng, nay có dịp học hỏi thêm được một số bài chiêng hay của cha ông ai cũng mừng. Về bon, CLB mình sẽ tập thêm nhiều bài nữa để truyền dạy lại cho thanh niên trong bon"...

Từ kết quả đạt được, trong năm tới các huyện, thị xã ra quyết tâm phấn đấu thành lập ở mỗi xã, thị trấn một CLB cồng chiêng.
 
Theo Minh Quỳnh (CAND online)

Ý kiến của bạn