một luật sư đầy tâm huyết với văn hóa dân tộc, người chủ trì khu văn hóa Phúc Linh đã tổ chức những buổi hầu đồng (còn gọi là giá đồng) có tính chuyên nghiệp trong diễn xướng và nội dung tôn vinh, ngợi ca những đấng thiêng liêng như Bà chúa Thượng ngàn, như Đức mẹ Liễu Hạnh...
Vì vậy mà điểm văn hóa “Phúc Linh” của ông Trần Văn Quyên ngày càng phát triển thu hút hàng ngàn người tham gia tổ chức sự kiện Tín ngưỡng thờ Mẫu. Là hoạt động văn hóa dân gian dân tộc lành mạnh, nhưng ở đây vẫn là tổ chức có tính tự phát, tự do, vì thế mà ông Trần Văn Quyên phải nghĩ tới một tổ chức văn hóa bền vững. Và ông Quyên đã tự nguyện xin làm thành viên chính thức của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam để học tập cách làm văn hóa chuyên nghiệp.
Lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa tâm linh có đông đảo người dân tham dự.
Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa tâm ra đời tháng 7/2017. Buổi lễ ra mắt của Trung tâm được tổ chức ngay trong khu văn hóa Phúc Linh hết sức trang nghiêm, với sự có mặt của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo địa phương và đông đảo người dân. Trong bài phát biểu khai mạc, GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhấn mạnh: Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng và hợp lòng dân, nên đã thu hút rất nhiều người tham gia, chứng tỏ văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh đang được nhân dân trong nước và thế giới quan tâm, coi trọng.
Văn hóa tâm linh là một hiện tượng đặc biệt đang tồn tại trong đời sống tinh thần con người Việt Nam, hướng con người về cội nguồn, về tiên tổ, về cõi tâm linh, về Mẫu, người mẹ Việt Nam thiêng liêng mà hành động, mà sống hòa thuận, bao dung và làm những điều thiện, loại trừ cái ác, cái bạo lực, cái thấp hèn. Cả thế giới hôm nay đang hướng về văn hóa tâm linh - (Premonition) - Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, là một hệ văn hóa đặc biệt, một nét đẹp văn hóa vô cùng cao quý và độc đáo của dân tộc Việt Nam được thể hiện ở con người Việt Nam luôn luôn hướng về “Người mẹ linh thiêng vĩ đại”, người mẹ ban phát những điều tốt lành cho con người từ miền xuôi đến miền ngược và răn dạy con người hãy sống yêu thương nhau, đùm bọc, bao dung giúp đỡ nhau cùng làm điều thiện và chống cái ác. Với ý nghĩa cao đẹp ấy mà Ủy ban Khoa học giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã ưu tiên công nhận tục Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa tâm linh vào thời điểm này là đúng lúc, vì đây là một địa chỉ văn hóa dân tộc sẽ là nơi tập họp những ai đang có tấm lòng hướng thiện, hướng tới văn hóa tâm linh để cùng nhau hoạt động theo một tôn chỉ cao cả và trong sáng là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tâm linh của dân tộc để phục vụ cho con người đang sống trong thế giới đầy biến động về văn hóa mà cái ác đang hoành hành!
TS. Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chúc mừng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa tâm linh, thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng về văn hóa và đáp ứng nguyện vọng của đồng bào địa phương trong sinh hoạt văn hóa tâm linh nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. TS. Bùi Thế Đức nhấn mạnh: Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa tâm linh nhất định sẽ thành công bởi vì có sự chỉ đạo trực tiếp của GS. Hoàng Chương - nhà hoạt động văn hóa nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, rất nổi tiếng trong và ngoài nước cùng nhiều nhà nghiên cứu giỏi về văn hóa dân tộc. Hà Nội, Thủ đô văn hiến ngàn năm là cái nôi văn hóa của cả nước rất giàu có về di sản, trong đó có nhiều địa chỉ văn hóa tâm linh, đó là miếng đất tốt nhất cho Trung tâm Văn hóa tâm linh khai thác và hoạt động góp phần làm cho đời sống văn hóa của Thủ đô nói chung và huyện Quốc Oai nói riêng thêm phong phú...
Bên cạnh đó, đồng chí Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai cũng nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa tâm linh sẽ là điểm sáng văn hóa dân tộc trong huyện Quốc Oai nói riêng và văn hóa Hà Nội nói chung.