Câu chuyện này là những chia sẻ của GS. Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam về tuồng cung đình Huế. Đây cũng là cách nhìn đầy thiện cảm của một người khá “có duyên” với Huế và luôn cần mẫn theo dõi những bước tiến của nghệ thuật tuồng cung đình Huế.
GS. Hoàng Chương.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, nhiều lần trực tiếp giảng bài cho các nghệ sĩ tuồng Huế và làm giám khảo chấm các vở diễn tuồng Huế, ấn tượng của Giáo sư về tuồng cung đình Huế hiện nay như thế nào?
GS. Hoàng Chương: Đây là một loại tuồng đặc biệt, mang tính cổ điển và có một khoảng cách về chất lượng khá xa so với tuồng dân gian bởi nó được triều đình nhà Nguyễn xây dựng hàng trăm năm. Tuồng cung đình Huế vốn chỉ biểu diễn cho vua quan xem nên văn chương nghệ thuật mang tính bác học cao và nội dung tư tưởng thì luôn hướng về bảo vệ chế độ triều đình. Kỹ thuật biểu diễn cũng vậy, rất chuyên nghiệp và rất nghiêm ngặt vì thể chế của triều đình. Người nghệ sĩ chỉ cần sơ suất đưa cao chân trong quá trình biểu diễn trước mặt vua là đã bị mất đầu. Chính những yêu cầu nghiêm ngặt, chính quy đó nên cả quá trình hàng trăm năm tồn tại dưới chế độ của triều đại nhà Nguyễn đã để lại cho chúng ta hôm nay hàng trăm kịch bản, làn điệu và động tác biểu diễn mẫu mực. May mắn là các nghệ nhân còn lưu giữ được sau khi chế độ nhà Nguyễn sụp đổ và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp, tuy không được trọn vẹn như ngày xưa.
Tôi thấy những thế hệ kế tiếp, những người làm tuồng ở Cố đô Huế hôm nay rất yêu nghề và cần cù trong học tập, khiêm tốn, tự tin trong các cuộc đua tài ở các hội diễn tuồng toàn quốc, tạo được cảm tình trong đông đảo khán giả. Tuy vậy, do cũng bị tác động bởi cơ chế thị trường nên cuộc sống của người làm nghề tuồng trên đất Huế cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Có nghệ sĩ tuồng Huế - tuồng Cung đình nhưng phải đi diễn tuồng ngoài dân gian hoặc đi hát ca Huế để kiếm thêm thu nhập.
PV: Những bậc thầy về tuồng cung đình Huế đã lần lượt ra đi theo quy luật đời người, vậy theo Giáo sư, chúng ta phải làm gì để tính nghiêm ngặt, tính cổ điển, bác học của tuồng cung đình Huế không bị phai mờ theo thời gian?
GS. Hoàng Chương: Phục hồi tuồng cung đình Huế là một việc vô cùng gian nan, phức tạp và không thể làm ẩu được. Tuồng cung đình Huế không thể được phục hồi với một số ít nhà nghiên cứu cùng vài ba nghệ nhân. Nói chung, người biết về tuồng Cung đình xưa hiện rất ít, cả người nghiên cứu tuồng có nghề cũng rất hiếm. Nhân đây, tôi muốn nói đến một việc không vui là chính người giữ từ đường tổ tuồng (Thanh Bình từ đường) mà không biết tên vị tổ tuồng là ai và cũng không biết hai bộ tuồng Vạn bửu trình tường và Quần trân hiến thụy dài hàng trăm hồi do vua Tự Đức chỉ đạo sáng tác hiện đang ở đâu. Điều này cho thấy việc sưu tầm, nghiên cứu của chúng ta chưa thật kỹ, chưa sâu và còn thiếu chuyên gia tuồng thực sự, nhiều nơi coi thường việc nghiên cứu, coi thường chuyên gia nên họ làm tuồng thành kịch tuồng.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế trong đó có bộ phận tuồng. Trong các dịp tham gia giảng bài ở đây, tôi đã từng nói với các diễn viên rằng: Ít nhất học tuồng là phải chuyên về tuồng, không phải vừa học tuồng, diễn tuồng vừa hát ca Huế. Ca Huế và tuồng hoàn toàn khác nhau. Nếu vừa hát tuồng vừa hát dân ca thì chúng sẽ bị lai vào nhau, làn điệu cũng không còn hoàn chỉnh thì hơi tuồng không còn tính nghiêm ngặt, tính đặc thù trong ca hát như vốn có nữa.
Về âm nhạc cũng vậy. Hiện nay, nhạc ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế có cả nhạc tuồng và nhạc dân ca. Như vậy là nó đã bị ảnh hưởng về màu sắc nên có khác nhạc cung đình xưa. Khi diễn tấu, nó “lọt vào tai” những chuyên gia, sự lẫn lộn ấy nghe thấy rất rõ và hơi khó chịu. Vẫn biết trong điều kiện thiếu con người như hiện nay, việc một nghệ sĩ kiêm nhiều vai trò là điều khó tránh khỏi, nhưng điều đó sẽ làm cho các nghệ sĩ tuồng Huế thiếu đi tính chuyên nghiệp trong biểu diễn như tuồng cung đình xưa.
Tuồng cổ Huế đến nay vẫn được kế thừa và gìn giữ.
PV: Có ý kiến cho rằng để phù hợp với cuộc sống đương đại, tuồng cung đình Huế cũng cần phải cải tiến. Giáo sư nghĩ thế nào về quan điểm này?
GS. Hoàng Chương: Đó là một quan điểm rất phổ biến hiện nay. Ai cũng nghĩ cải tiến, phải làm mới tuồng thì mới có người xem? Tuồng ngoài xã hội thì được, nhưng đã là tuồng cung đình thì không thể cải tiến mà phải giữ được tính nghiêm ngặt, tính bác học và tính cổ điển của nó như ngày xưa. Nếu cải tiến thì nó sẽ lai căng, kịch hóa và bị biến thành một dạng khác, không còn là tuồng cung đình. Tuồng Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Nội… có thể cải tiến. Nhưng đã là tuồng cung đình Huế thì phải được bảo tồn giống như người Nhật Bản phục hồi và giữ Kịch Nô hôm nay không khác gì so với Kịch Nô của 800 năm trước. Đó là di sản, là vốn quý của mỗi dân tộc để cho con người hôm nay được chiêm ngưỡng cái năm xưa. Đồ cổ cũng vậy, càng xưa càng có giá trị.
Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải thống nhất được quan điểm. Đó là xây dựng, bảo tồn, phục hồi tuồng cung đình thì phải giữ cho được nguyên bản. Đừng lẫn lộn giữa tuồng cung đình Huế với tuồng ở các vùng miền khác. Nếu không nhận thức được điều này mà để buông lỏng, ai muốn làm gì cứ làm thì sẽ có ngày tuồng Huế dứt khoát không còn là tuồng cung đình nữa (có nghĩa là ta mất đi một di sản Cung đình Huế).
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!