Bảo tồn nguồn dược liệu trong nước
Làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát triển, đồng thời sử dụng bền vững nguồn dược liệu trong nước, hướng tới xuất khẩu dược liệu? Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm tài nguyên dược liệu, Viện dược liệu, Bộ Y tế về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Mặc dù nước ta có tài nguyên cây thuốc rất phong phú, nhưng trên thực tế, nguồn dược liệu thị trường lại chủ yếu là nhập khẩu. Vậy đâu là lý do, thưa bà?
PGS.TS. Phạm Thanh Huyền: Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển các cây thuốc, các dược liệu quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao. Với nhiều loài thực vật được sử dụng làm thuốc, các loài cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn dược liệu thị trường lại còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu, Bộ Y tế.
Theo thống kê, tỷ lệ nguồn dược liệu nhập khẩu từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Một trong các nguyên nhân là nguồn cung không đáp ứng cầu, việc ứng dụng quy trình kỹ thuật từ khâu khai thác, nhân giống, trồng, chiết xuất và chế biến chưa được đầu tư đồng bộ và triển khai trên quy mô lớn nhằm sản xuất được dược liệu có chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu còn thiếu sự chủ động, phụ thuộc vào giá nhập khẩu, khó kiểm soát được chất lượng, không khai thác được tiềm năng và lợi thế về nguồn tài nguyên dược liệu.
Từ đó, sẽ phụ thuộc nhiều vào nước cung cấp, nguồn nguyên liệu không ổn định và phần nào ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.
Thực tế hiện nay, một số loài cây thuốc thuộc diện quý, hiếm và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam vẫn đang được khai thác và buôn bán trên thị trường như: Một lá, cỏ nhung, bảy lá một hoa, tam thất hoang, hoàng tinh vòng, hoàng tinh hoa đỏ, hoàng liên ô rô...
Trữ lượng các loài này trong tự nhiên so với những năm trước đây đã giảm sút nhiều, nhiều loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, tránh tình trạng các nguồn gene quý của nước ta bị thất thoát qua biên giới.
Mặt khác, một số loài có tiềm năng khai thác trong tự nhiên đang được khai thác không có quy trình khai thác bền vững (theo GACP-WHO). Cho đến nay, mới chỉ có một số loài được ưu tiên đầu tư nghiên cứu xây dựng quy trình khai thác bền vững theo GACP WHO như: Rau đắng đất, chè dây, cẩu tích, ngũ sắc, sa nhân, sói rừng, trà hoa vàng, thiên niên kiện...
Thời gian tới, các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu cần tiếp tục đầu tư để xây dựng quy trình khai thác bền vững một số loài tiềm năng; đồng thời có kế hoạch triển khai đánh giá tổng thể nhằm xây dựng được các vùng khai thác bền vững một số loài có tiềm năng khai thác ở Việt Nam phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế xã hội.

Hoàng tinh hoa đỏ, cây thuốc quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam.
PV: Hiện tại chúng ta gặp thuận lợi, khó khăn gì trong việc đào tạo trồng cây dược liệu, thưa bà?
PGS.TS. Phạm Thanh Huyền: Thực tế khi triển khai các hoạt động đào tạo nuôi trồng cây dược liệu có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Thuận lợi: Xu thế và xu hướng tiếp cận với công tác trồng cây dược liệu đã có nhiều thay đổi. Trong nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược liên quan đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho công tác nuôi trồng cây dược liệu, trong đó cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo trồng cây dược liệu nhằm phát huy giá trị nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.
Khó khăn: Việc đào tạo trồng cây dược liệu mặc dù đã được triển khai thông qua nhiều chương trình, dự án nhưng vẫn chưa được tiến hành đồng bộ và triệt để. Chúng ta vẫn còn những khó khăn nhất định trong đào tạo và trồng cây dược liệu.
Cơ sở vật chất đầu tư cho các hoạt động đào tạo còn hạn chế. Chương trình đào tạo chưa được triển khai sâu rộng trong các đơn vị đào tạo. Thông tin kết nối các hoạt động đào tạo còn chưa thực sự được chú trọng. Đội ngũ cán bộ về lĩnh vực dược liệu còn mỏng.

Viện Dược liệu thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về cây thuốc cho các ông lang, bà mế.
PV: Để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu trong nước, chúng ta đã có những giải pháp gì trong đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu?
PGS.TS. Phạm Thanh Huyền: Với nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, do khai thác liên tục trong nhiều năm không chú ý tới bảo vệ tái sinh, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Theo thống kê đến năm 2007 có 144 loài, đến năm 2019 ghi nhận 160 loài cây thuốc có tên trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam.
Để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn dược liệu, ngay từ năm 1988, Viện Dược liệu đã thực hiện công tác Bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc Việt Nam. Trải qua gần 40 năm thực hiện, công tác bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc đã đạt được những kết quả nhất định.
Đến nay, mạng lưới bảo tồn nguồn gene đã và đang được xây dựng trên khắp cả nước. Hệ thống các dựng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau như: Vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du miền núi phía Bắc (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), vùng núi cao Tây Bắc (Sa Pa, Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên), vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh).
Trong quá trình triển khai công tác bảo tồn, Viện Dược liệu thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn và truyền thông cho người dân để nâng cao nhận thức về bảo tồn, sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc nói chung và cây thuốc của các dân tộc nói riêng; đồng thời bảo tồn được tri thức bản địa về sử dụng các loài cây thuốc chữa bệnh của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trong nhiều năm nay, thông qua các chương trình, đề tài, dự án các cấp, công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu cũng được quan tâm và đầu tư triển khai thực hiện.
Cây thuốc giữ một vị trí quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình suy giảm nhanh chóng về nguồn cây thuốc hiện nay, công tác bảo tồn nguồn gene cây thuốc là một vấn đề cấp thiết và cần được quan tâm trong công tác phát triển dược liệu.
Do đó, cần tập trung vào các cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài đặc hữu, có giá trị kinh tế và những nguồn gene có tiềm năng phát triển phục vụ công tác chọn, tạo giống có năng suất và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nguồn gene nhằm quản lý việc khai thác các loài cây thuốc mọc tự nhiên, nạn đốt phá rừng bừa bãi làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên để triển khai công tác bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền hướng dẫn kiến thức về cây thuốc cho các ông lang, bà mế.
Phát triển công nghiệp dược với nền tảng dược liệu
PV: Theo bà, để phát triển công nghiệp dược với nền tảng là dược liệu trong nước chúng ta cần phải làm gì?
PGS.TS. Phạm Thanh Huyền: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu. Sự phát triển của thị trường sản phẩm thảo dược toàn cầu với quy mô trên 200 tỷ USD mỗi năm với tốc độ tăng trưởng cao nên nhu cầu về dược liệu, thuốc từ nguồn dược liệu có xu hướng ngày càng tăng, đưa dược liệu thành ngành kinh tế quan trọng.
Để phát triển nền công nghiệp dược với nền tảng là nguồn dược liệu trong nước, chúng ta cần:
Lựa chọn đối tượng dược liệu ưu tiên đầu tư tập trung để phát triển. Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa bảo tồn cây dược liệu đồng thời giúp phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con.
Thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững. Xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Đẩy mạnh chuỗi vùng trồng - sản xuất, phát triển các loại thuốc chữa bệnh từ dược liệu và các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ các loài cây thuốc hay bài thuốc quý, tạo thêm nhiều giá trị cho các loài cây thuốc Việt; đồng thời góp phần xây dựng thói quen "người Việt dùng thuốc Việt" từ các sản phẩm dược liệu thế mạnh của Việt Nam.
Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Gần 40 năm nay, Viện Dược liệu đã thực hiện công tác bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc Việt Nam.
PV: Với xu thế phát triển dược liệu phải gắn với thị trường, giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu dược liệu?
PGS.TS. Phạm Thanh Huyền: Xu thế chung toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người ngày càng cao.
Thống kê cho thấy, quy mô thị trường thuốc thảo dược quốc tế ước đạt 430,05 tỷ USD (2028); thị trường sản phẩm làm đẹp từ thảo dược toàn cầu ước 117,3 tỷ (2027); quy mô thị trường thực phẩm bổ sung thảo dược ước đạt 87,98 tỷ USD (2030).
Bên cạnh đó, tiềm năng ứng dụng thảo dược làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm trong ngành nông nghiệp: Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... cũng tăng nhanh.
Đây là thị trường vô cùng tiềm năng để gia tăng chuỗi giá trị dược liệu, là cơ hội để đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu ở Việt Nam, giúp dược liệu trở thành ngành công nghiệp và tham gia thị trường thảo dược quốc tế.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu. Đây là cơ sở để thúc đẩy gắn kết ngành công nghiệp dược liệu với công tác bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu. Đến nay, nhiều loài cây thuốc có giá trị kinh tế đã được lựa chọn, phát triển và hình thành các vùng trồng để tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế. Các sản phẩm vẫn phần nhiều mang tính tự cung tự cấp tại địa phương, do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt thiếu thông tin thị trường quốc tế. Đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi trồng, chế biến sản xuất đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế.
Các sản phẩm từ dược liệu trong nước thiếu sức cạnh tranh, do ít được đầu tư nghiên cứu chứng minh an toàn, hiệu quả mang tính tổng thể. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, chưa tham gia được chuỗi cung ứng thảo dược toàn cầu, chưa xây dựng được thương hiệu thảo dược Việt trên trường quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu dược liệu, cần:
Xác định đối tượng có lợi thế cạnh tranh và thế mạnh để ưu tiên đầu tư tập trung.
Mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.
Cần chú trọng đầu tư nâng cấp nhà máy hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, như: EU-GMP, PIC/S. JAPAN GMP... Bên cạnh đó, các chuỗi dược phẩm bán lẻ cũng cần tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động.
Tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Tăng cường nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế.
Thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ngoài ra, cần liên kết giữa các doanh nghiệp dược trong nước, các tổ chức quốc tế để tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vật chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có, mạng lưới hoạt động, kinh nghiệm để tạo tiền đề cho phát triển ngành Dược.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS. Phạm Thanh Huyền!
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý ở Hà Giang.