Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu ở Bắc Kạn thế nào?

05-11-2023 15:26 | Y học cổ truyền

SKĐS - Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, nhiều loại cây không còn khả năng tái sinh, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng... Đặt ra nhiệm vụ bức thiết về bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu.

Mục tiêu trở thành thủ phủ trồng cây dược liệu

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích rừng tự nhiên gần 273.000ha, đây là tiềm năng lớn để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được hơn 400ha cây dược liệu. Một số cây dược liệu được trồng nhiều như hà thủ ô, trà hoa vàng, cà gai leo, mướp đắng rừng, quế, hồi, giảo cổ lam, khôi nhung tía… Những năm gần đây nhận thấy giá trị một số loài cây dược liệu, các chủ rừng đã tự mua cây giống hoặc tự nhân giống để trồng dưới tán rừng.

Hiện nay, hầu hết các loại cây dược liệu đã được chế biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao như curcumin gừng, nghệ; tinh bột nghệ nếp đỏ, cao cà gai leo, trà mướp đắng rừng, trà hoa vàng, trà giảo cổ lam, dầu hồi, dầu quế…

Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu ở Bắc Kạn thế nào?- Ảnh 1.

Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu đang vấn đề đặt ra với nhiều địa phương, trong đó có Bắc Kạn (Ảnh minh hoạ)

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn chủ trương mở rộng diện tích cây khôi nhung, chè hoa vàng, thảo quả, cát sâm, ba kích, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, khôi tía dưới tán rừng. Đặc biệt thu hút các hợp tác xã đầu tư vào những khu vực rừng có độ cao lớn, khí hậu mát, ẩm tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm, Chợ Đồn.

Tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu trở thành thủ phủ trồng cây dược liệu trong tương lai gần. Theo đó, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Tập trung hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị, xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật.

Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Sở NN-PTNT Bắc Kạn đã khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh. Bắc Kạn xác định, phát triển cây dược liệu là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế rừng, mở ra một hướng đi mới, đa dạng thu nhập cho người dân.

Giải pháp để bảo tồn nguồn gen cây dược liệu

Thực tế cho thấy hiện nay, nguồn cung dược liệu của tỉnh chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh, dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng, thành phần loài cây thuốc, cây dược liệu quý. Việc trồng, chế biến cây thuốc, cây dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát.

Ngoài ra, trên địa địa bàn tỉnh thiếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý vẫn đang là điều mà các địa phương có thế mạnh mong muốn được thực hiện.

Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai một số nhiệm vụ khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu, như đề tài: Nghiên cứu phát triển trồng dược liệu tỉnh Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu (Hoài Sơn và Địa Hoàng) theo chuỗi giá trị tại Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn các dự án đã tiến hành điều tra một số cây dược liệu trong tự nhiên như ba kích tím, hà thủ ô đỏ, dong riềng đỏ, đẳng sâm, ban lá dính, hoài sơn, địa hoàng.

Cùng với đó, Sở phối hợp nghiên cứu xác định được vùng trồng, loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng tốt, thích hợp sản xuất hàng hóa và có thị trường tiêu thụ ổn định. Xây dựng được một số mô hình trồng cây dược liệu. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ nhân giống, trồng, thâm canh, sơ chế, bảo quản dược liệu.

Triển khai đề tài Nghiên cứu đặc điểm sinh học, phân bố và khả năng phát triển cây kim tuyến tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn (nay là Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Kạn). Đề tài đã hoàn thiện kỹ thuật nhân giống cây kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô, kỹ thuật giá thể ra cây sau nuôi cấy mô, kỹ thuật trồng cây kim tuyến trong nhà lưới, tại vườn nhà. Phối hợp phân tích các thành phần hóa học, xác định tên khoa học và tác dụng kháng khuẩn chống viêm của cây kim tuyến.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai đã góp phần bảo tồn, từng bước phát triển trồng, chế biến cây dược liệu theo chuỗi giá trị đồng thời nâng cao ý thức của người dân đối với việc khai thác các nguồn cây dược liệu ngoài tự nhiên.


PV
Ý kiến của bạn