Bảo tồn, phát triển dược liệu quý ở miền núi Thanh Hóa

19-09-2023 16:07 | Y học 360

SKĐS - Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu. Trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như: Ba kích, đinh lăng, củ mài, hương nhu trắng, ích mẫu, quế, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo... chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi.

Phát triển, mở rộng trồng dược liệu giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèoPhát triển, mở rộng trồng dược liệu giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo

SKĐS - Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, trong đó có diện tích trồng cây dược liệu.

Điều kiện thổ nhưỡng tỉnh Thanh Hóa rất thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu quý. Để nâng cao giá trị cho cây dược liệu, khai thác và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tỉnh Thanh Hóa đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, khai thác và chế biến cây dược liệu.

Với những lợi thế như vậy, các địa phương trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh bảo tồn, phát triển dược liệu quý, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho đồng bào vùng cao.

Theo số liệu Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ - Viện Dược liệu Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 20 loài dược liệu quý, bao gồm: Cây đinh lăng, củ mài, hương nhu trắng, ích mẫu, ba kích, hòe, sa nhân, quế, huyền sâm, xuyên tâm liên, cà gai leo, nghệ vàng, sâm báo, giảo cổ lam...

photo-1695091113884

Điều kiện thổ nhưỡng tỉnh Thanh Hóa thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu quý.

Thống kê của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 5.000 ha dược liệu. Diện tích cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Tiêu biểu tại huyện Quan Sơn - là huyện miền núi vùng cao biên giới nghèo, nằm phía Tây của tỉnh Thanh Hoá. Với diện tích tự nhiên: 92.622 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp trên 87 ha, dân số hơn 40.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiềm năng thế mạnh của huyện Quan Sơn là rừng và đất lâm nghiệp, có 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề trồng rừng, hình thức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, việc sản xuất cung cấp lương thực tại chỗ còn thiếu nhiều, chưa biết phát triển và khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có trên địa bàn để phát triển kinh tế. Do đó, đời sống của nhân dân trong huyện đang còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc tăng cường công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng là hướng đi giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Tháng 3/2018, được sự quan tâm của UBND tỉnh Thanh hóa, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã "Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu" tại huyện Quan Sơn; quy mô 5 ha, trong đó có 2 ha hà thủ ô đỏ; 2ha thổ phục linh và 1ha cây mã tiền, với 30 hộ dân tham gia. Kinh phí thực hiện Dự án trên 3,5 tỷ đồng; Trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng, số kinh phí còn lại tự huy động các nguồn hợp pháp khác.

Thực tế trên những ngọn núi của huyện Quan Sơn vốn có các loại cây dược liệu như: Bon bo, sa nhân, ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh... mọc dưới tán rừng tự nhiên. Nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc trong huyện vẫn lưu truyền, gìn giữ được nhiều bài thuốc dân gian để chữa bệnh, mà nguyên liệu chủ yếu từ các loại cây dược liệu.

Tuy nhiên, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, nên việc khai thác nguồn cây dược liệu diễn ra bừa bãi, không chú ý đến khả năng tái sinh. Vấn đề đặt ra với cấp ủy đảng, chính quyền huyện Quan Sơn là bảo tồn nguồn cây dược liệu hiện có trong rừng tự nhiên và xây dựng được vùng trồng cây dược liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến thuốc nam của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học thực địa, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung có chất lượng cao, quy mô 250 ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc Y học cổ truyền vào đầu tư, liên kết sản xuất.

photo-1695091114752

Cây dược liệu giúp người dân Thanh Hóa xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Việc áp dụng thành công của dự án sản xuất và áp dụng các quy trình kỹ thuật an toàn, hiệu quả cao còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các vùng nông thôn. Thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, trồng cây có giá trị thấp sang trồng theo mô hình công nghiệp cây có giá trị cao.

Để cây dược liệu thực sự trở thành cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thực tế ở Quan Sơn, huyện đang tập trung xây dựng quy trình trồng, chăm sóc từng loài cây dược liệu cụ thể, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Đặc biệt để phát triển cây dược liệu quý hiếm thành ngành kinh tế quan trọng trong những năm tới.

Sau 3 năm triển khai mô hình, UBND huyện Quan Sơn, cơ quan chủ trì thực hiện dự án đã nghiêm túc tập trung tổ chức triển khai đầy đủ các bước, quy trình kỹ thuật theo kết luận thẩm định của Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa và đạt được kết quả tốt.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ giúp bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường, mà còn bảo vệ sức khỏe con người, tương lai giống nòi.

Hơn hết, sự phát triển ấy còn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu, từ đó làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở khu vực miền núi, trong đó có huyện Quan Sơn.

Có thể nói, cây dược liệu đã giúp người dân Thanh Hóa xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu rất lớn, người dân tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm và nhân rộng các loài cây dược liệu quý mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mời độc giả xem thêm video:

Củ Tam Thất Có Tác Dụng Gì Cho Sức Khỏe | SKĐS

Thùy Chinh - Đỗ Hà
Ý kiến của bạn