Bảo tồn, phát huy lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều gắn với khai thác du lịch

21-11-2023 06:22 | Thời sự

SKĐS - Việc bảo tồn và phát triển Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình gắn với việc phát triển du lịch góp phần gìn giữ, lan tỏa nét giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và mang lại lợi ích nhất định trong việc hỗ trợ nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch".

Bảo tồn, phát huy lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều gắn với khai thác du lịch- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch".

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày nhiều tham luận về giá trị văn hóa nổi bật của Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều tại xã Ngân Thủy; công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội này để phục vụ du lịch. Cùng với đó, đánh giá về một số chủ trương, chính sách tác động đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội này… đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng, thực hiện các chính sách để huy động nguồn lực; động viên, tôn vinh những nghệ nhân và chủ thể đang bảo tồn, thực hành lễ hội và xây dựng các chương trình, kế hoạch; xác định, đề cao, phát huy vai trò cộng đồng; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động liên quan lễ hội.

Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp chính quyền trong bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo tồn, phát huy lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều gắn với khai thác du lịch- Ảnh 2.

Già làng Hồ Thầm (bản Còi Đá, xã Ngân Thủy) làm lễ khấn các vị thần linh, tiên tổ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhiều sức khỏe.

Hội thảo góp phần khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của lễ hội này trong khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.

Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lễ hội mừng cơm mới được bà con Bru - Vân Kiều trên dãy Trường Sơn tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây là nghi lễ được tiến hành khi vụ mùa kết thúc để bước vào một vụ mùa mới. Người dân cúng tạ ơn các thần linh phù hộ có một vụ mùa tốt, đồng thời cầu xin thần lúa, và các vị thần sông, thần núi cho họ mùa tới tốt hơn.

Bảo tồn, phát huy lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều gắn với khai thác du lịch- Ảnh 3.

Tại Lễ hội Mừng cơm mới đồng bào tham gia thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tại buổi lễ, đồng bào tham gia thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.

Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, trước đây do tập quán sản xuất cũ theo kiểu chặt, đốt, cốt, trỉa nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bảo tồn, phát huy lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều gắn với khai thác du lịch- Ảnh 4.

Người dân Bru-Vân Kiều tại xã Ngân Thủy trình diễn Lễ hội Mừng cơm mới.

Hiện nay, những cánh đồng lúa nước giúp người dân chủ động nguồn lương thực, không còn lo đói. Đời sống ấm no, bà con chú trọng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống trong đó thường xuyên tổ chức lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều.

Bảo tồn và phát triển lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình cũng giúp người dân nơi đây phát triển du lịch với mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Lấy giá trị văn hóa cốt yếu của bà con Bru - Vân Kiều làm trọng tâm để kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; đồng thời góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.

Bảo tồn, phát huy lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều gắn với khai thác du lịch- Ảnh 5.

Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL đưa lễ hội Mừng cơm mới của bà con Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phụ nữ đồng bào Bru – Vân Kiều thoát khỏi ràng buộc của hủ tục nhờ sớm triển khai dự ánPhụ nữ đồng bào Bru – Vân Kiều thoát khỏi ràng buộc của hủ tục nhờ sớm triển khai dự án

SKĐS - Những tổ "Tuyên truyền thông cộng đồng" hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Phụ nữ đồng bào dần cởi bỏ những rào cản, định kiến để có cuộc sống tốt hơn.

Video: Đồng bào Bru – Vân Kiều vùng biên viễn tự hào tổ chức lễ hội được công nhân là di sản phi vật thể quốc gia.


Đan Thanh
Ý kiến của bạn