Với phương châm "Kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền, với y học hiện đại", tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển Đông y.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, công tác phát triển Đông y tại Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Xác định phát triển Đông y là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, 15 năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư (khóa X) về "phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới" (Chỉ thị 24-CT/TW); Thông báo Kết luận số 154-TB/TW, ngày 20/2/2014 Ban Bí thư, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền Đông y, chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng Y học cổ truyền .
Năm 2019, tỉnh đầu tư xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền với quy mô bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có 140 giường bệnh với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh công lập bằng Y học cổ truyền phát triển mạnh.
Năm 2023, toàn tỉnh đã có 398 giường bệnh y học cổ truyền (gấp 4,68 lần so với năm 2008), 8 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 35 cơ sở kinh doanh dược liệu; 01 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa Y học cổ truyền với quy mô 13 giường bệnh.
Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện đa khoa các huyện được bố trí tăng giường bệnh Y học cổ truyền từ 5 giường bệnh/1 bệnh viện năm 2008 lên 20-30 giường bệnh năm 2023. Kinh phí cấp cho công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, mua dược liệu, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nền Đông y trong từng giai đoạn.
Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực y học cổ truyền được quan tâm thực hiện. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh công lập bằng y học cổ truyền phát triển mạnh. Bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh, khoa Y học cổ truyền, bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của bệnh viện đa khoa cấp huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn ngày càng được kiện toàn, nâng cấp.
Trong những năm qua, Hội Đông y tỉnh Lào Cai đã từng bước rà soát các bài thuốc hay, cây thuốc quý của ông lang, bà mế trong tỉnh, kết hợp với các buổi khám, chữa bệnh từ thiện, vận động, hướng dẫn trên 200 lượt người cách trồng và sử dụng cây thuốc nam tại nhà để chữa các bệnh thông thường.
Với nhiều bài thuốc hay, góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Điển hình như một số bài thuốc của người Dao đỏ, đã phát hiện ra hàng chục biệt dược, trong tổng số hơn 100 loài cây thuốc quý mà người Dao đỏ đã tìm thấy từ trong cuộc sống gắn bó với rừng. Đặc biệt, họ đã kết hợp "chế" ra nhiều bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu, như việc kết hợp giữa cây hoàng liên chân gà, thất diệp nhất chi hoa với cây tống quá sủ, giảo cổ lam... để chữa các bệnh trước và sau khi sinh cho phụ nữ và trẻ sơ sinh; trong đó có bài thuốc tắm, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa làm đẹp cơ thể và tăng cường sức khỏe…
Trong những năm tới, thực hiện phương châm đẩy mạnh kế thừa và phát triển toàn diện y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại, mở rộng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh cần tăng cường lãnh đạo và đầu tư cho hệ thống y dược cổ truyền. Hội Đông y các cấp hoạt động và phát triển, phát huy tiềm năng lợi thế; chỉ đạo các cấp hội kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời, tạo điều kiện cho Hội Đông y về nguồn lực vật chất; tăng cường đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, trang -thiết bị, phương tiện cho các cấp hội, đảm bảo ổn định cơ sở vật chất, triển khai tốt các hoạt động chuyên môn.
Củng cố, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hoàn thiện hệ thống quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu kế thừa bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền, nâng cao chất lượng thuốc y học cổ truyền. Xây dựng cơ chế chính sách, các đề án và tăng cường đầu tư nguồn lực cho y học cổ truyền và Hội Đông y.
Trong đó, có chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình chuyên trồng những cây dược liệu quý để chế biến và xuất khẩu, có sự ưu đãi về trồng, thu mua, chế biến, sử dụng và lưu hành thuốc đông y trong tỉnh đối với các cơ sở y dược khi sử dụng các dược liệu sẵn có tại địa phương.
Bên cạnh đó, khuyến khích các lương y giàu kinh nghiệm tham gia bắt mạch, kê đơn, trực tiếp điều trị tại trung tâm thừa kế ứng dụng của các cấp hội.
Ngoài ra, nâng cấp, đầu tư trang - thiết bị cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, củng cố và phát triển các khoa Y học cổ truyền tại các bệnh viện, tổ y dược cổ truyền tại phòng khám đa khoa và trạm y tế. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên về y học cổ truyền; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, chú trọng mời các chuyên gia giỏi đào tạo tại tỉnh, chuyển giao kỹ thuật về y, dược cổ truyền.
Hội Đông y tỉnh củng cố hệ thống tổ chức hội ở cơ sở gắn với củng cố, phát triển các phòng chẩn trị, tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp địa phương thực hiện các tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới... Thông qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.