Hà Nội

Bảo tồn, nhân giống cây dược liệu quý ở Ninh Bình

20-11-2023 15:08 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Tỉnh Ninh Bình có nhiều cây dược liệu bản địa quý hiếm như cây Tam phỏng và Kim ngân, Hương nhu, Cúc tần… Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, người dân khai thác tận thu một cách bừa bãi, triệt để nên nguồn cây dược liệu trong tự nhiên tại địa phương ngày càng cạn kiệt.

Trước thực trạng nguồn cây dược liệu trong tự nhiên tại địa phương bị khai thác bừa bãi, ngày càng cạn kiệt, có nguy cơ mất giống, Sở KHCN tỉnh Ninh Bình đã chọn lọc, giao nhiệm vụ và phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) thực hiện đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất cây dược liệu kim ngân và cây tam phỏng tại tỉnh Ninh Bình".

Chủ nhiệm đề tài, thạc sĩ Phạm Thị Tươi cho hay, Ninh Bình là vùng đất có nhiều núi đá, có cây xen kẽ, môi trường thích nghi của nhiều loài thảo dược quý hiếm, trong đó có cây kim ngân và cây tam phỏng. Trước đây, cây kim ngân và cây tam phỏng thường gặp mọc hoang khắp các vùng trung du miền núi và đồng bằng.

Để thực hiện đề tài, bắt đầu từ tháng 1/2017, nhóm tác giả tiến hành điều tra tình hình sản xuất và thu thập nguồn gen cây dược liệu kim ngân và cây tam phỏng tại 151 hộ dân thuộc tại xã Gia Sinh (Gia Viễn) và xã Sơn Hà (Nho Quan).

Bảo tồn, nhân giống cây dược liệu quý ở Ninh Bình- Ảnh 1.

Đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất cây dược liệu kim ngân và cây tam phỏng tại tỉnh Ninh Bình" với mô hình thành công ở HTX Sinh Dược không chỉ góp phần bảo tồn, nhân các giống thảo dược quý hiếm bản địa mà còn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, cách sơ chế, bảo quản thành phẩm...

Đến tháng 2/2017, đề tài đã thu thập được 33.600 hom giống cây kim ngân và 4kg hạt giống cây tam phỏng. Với mục tiêu bảo tồn 2 cây dược liệu này bằng phương pháp Insitu (bảo tồn tại chỗ), mô hình đã chọn xã Gia Sinh - vùng đất được xem là cái nôi trồng, chế biến dược liệu truyền thống từ xa xưa để triển khai đề tài.

Đại diện nhóm thực hiện đề tài cho biết thêm, chúng tôi chọn lựa cánh đồng thảo dược xóm 7 (xã Gia Sinh) để trồng thành vườn nhân giống cây kim ngân quy mô 7.000m2 và cây tam phỏng quy mô 3.000m2. Sau khi có cây giống, tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình trồng cây dược liệu thương phẩm, với 30.000m2 trồng cây kim ngân và 10.000m2 trồng cây tam phỏng.

Sang các năm 2018 và 2019, nhóm thực hiện đề tài đưa vào ươm 330.000 hom giống cây kim ngân, thu được 270.000 cây giống, đạt tỷ lệ 82% yêu cầu kỹ thuật, với cây giống sinh trưởng tốt, bộ rễ, mầm khỏe, lá xanh và mượt, không nhiễm sâu bệnh hại, có 12 - 14 lá thật, chiều cao mầm đạt 10 - 15cm.

Cùng thời gian này, đề tài cũng xây dựng được 3.000m2 vườn nhân giống gốc cây tam phỏng, bảo tồn được nguồn gen cây Tam phỏng và thu được 10,6kg hạt giống để xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm cây tam phỏng. Kết quả đã có 115.000 cây Tam phỏng giống khỏe, lá xanh, chiều cao cây đạt 10 - 15cm, không nhiễm sâu bệnh hại…

Ông Nguyễn Duy Phương - Phó Giám đốc HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh) chia sẻ: Đề tài đã chọn HTX chúng tôi để triển khai thực hiện trong gần 42 tháng, đến nay đã có kết quả khá tốt. Các xã viên (gần 40 người) của HTX được dự các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nhân giống, canh tác, thu hoạch và sơ chế cây dược liệu kim ngân, tam phỏng.

Trong đó, xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm cây dược liệu kim ngân và tam phỏng với quy mô 4ha, thu được 12 - 16 tấn dược liệu. Sản phẩm từ mô hình được HTX Sinh Dược tiêu thụ, đưa vào sản xuất các sản phẩm thảo dược, như Trà An Thái, nước tắm bé, sản phẩm dưỡng da,.. đồng thời cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc đông y. Cây kim ngân cho thu hoạch sau khoảng 1 năm kể từ lúc trồng.

Đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất cây dược liệu kim ngân và cây tam phỏng tại tỉnh Ninh Bình" với mô hình thành công ở HTX Sinh Dược không chỉ góp phần bảo tồn, nhân các giống thảo dược quý hiếm bản địa mà còn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, cách sơ chế, bảo quản thành phẩm, nâng cao giá trị nguồn dược liệu, tạo việc làm, phát triển kinh tế nông thôn.


PV
Ý kiến của bạn