Người Ơ Đu trong quá khứ có ngôn ngữ riêng, dân số đông đúc, đời sống phồn thịnh trong một lãnh thổ rộng lớn bao gồm vùng thượng nguồn hai con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, và một phần của nước Lào. Năm 2006, người Ơ Đu trên địa bàn Tương Dương chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn, cách bản cũ hơn 30 km, nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Ban đầu, có 300 nhân khẩu nay đã tăng 102 hộ với hơn 400 người được xác định ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam. Đa số dân bản giao tiếp hàng ngày chủ yếu bằng tiếng Thái, thi thoảng có pha trộn tiếng Ơ Đu nhưng không nhiều.
Nỗi lo thất truyền ngôn ngữ cha ông
Cuộc trò chuyện giữa ông Lô Xuân Tình (63 tuổi), Bí thư Chi bộ bản Văng Môn xã Nga My, huyện Tương Dương và cháu học tiểu học phải nhiều lần dừng giữa chừng vì có nhiều đoạn cháu bé không hiểu. Hai ông cháu giao tiếp bằng tiếng Ơ Đu, nhưng có nhiều từ cháu bé phải dùng tiếng Việt để nhờ ông cắt nghĩa…
"Những cháu bé đang ở tuổi tiểu học không biết tiếng Ơ Đu đã đành, có nhiều thanh niên nhưng đến nay dùng tiếng mẹ đẻ cũng không thông thạo. Chẳng hạn, trong gia đình, có công cụ sản xuất truyền thống, khi được yêu cầu gọi tên, em nào cũng không biết. Thanh niên ngày nay chắc chắn có rất nhiều người không biết gọi tên thú rừng, chim chóc, một số loài cây, dược liệu", ông Lô Xuân Tình, Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, lý giải.
Theo ông Tình, vì thế hệ trẻ không còn việc săn bắn, đi lấy thuốc như ngày trước. Học sinh ngày càng ít biết tiếng Ơ Đu do đang học văn hóa bằng tiếng Việt ở trường. Về nhà, phụ huynh lại bận rộn và ít có thời gian trò chuyện với con, hoặc chỉ dạy một vài từ nên các cháu khó có thể nhớ được.
Ông Lo Thanh Bình (77 tuổi) sống tại bản Văng Môn, là người nặng lòng với việc gìn giữ tiếng nói của người Ơ Đu. Ông cho biết, tiếng Ơ Đu có cách phát âm rất khó, khó nhớ, nên dễ bị quên, khó học. Trong bản, người biết sử dụng tiếng Ơ Đu rất ít, nên càng khó duy trì, phổ biến, dẫn đến thực tế là người biết nói tiếng Ơ Đu cũng không biết sử dụng để nói với ai.
Ông Lo Thanh Bình luôn đau đáu về việc ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Ơ Đu đang dần bị mai một.
Ông Bình chia sẻ, dân tộc Ơ Đu từng có tiếng nói riêng, dù chưa hoàn chỉnh vì có những câu, từ phải "vay mượn" của dân tộc khác để diễn đạt. Trước năm 1960, khi còn sống tại xã Kim Đa (huyện Tương Dương), khoảng 50% dân số người Ơ Đu trong bản vẫn sử dụng ngôn ngữ của mình trong giao tiếp hàng ngày. Sau này, khi các dân tộc khác như Thái và Khơ Mú hòa nhập vào bản, tiếng nói của người Ơ Đu mất dần. Hiện, chỉ còn ông và một vài người như ông Lo Văn Cường, Lo Văn Khánh… còn nói được tiếng Ơ Đu. Tuy nhiên, vốn từ rất hạn chế, chủ yếu liên quan đến số đếm, con vật, đồ vật, hoa quả, cây cối, địa danh, nhạc cụ, các câu hội thoại trong sinh hoạt, lao động, sản xuất…
Ông Bình nhận định, sự mai một của tiếng nói, chữ viết của người Ơ Đu đã hiện hữu chứ không còn là nguy cơ. "Chỉ vài chục năm nữa thôi, tiếng nói của người Ơ Đu có thể sẽ hoàn toàn thất truyền…", ông Bình lo lắng.
Mở lớp dạy tiếng Ơ Đu bằng truyền khẩu
Ông Lô Xuân Tình không chỉ lo về tiếng nói, người Ơ Đu sống trên địa bàn cũng không có chữ viết và cũng không sử dụng chữ Quốc ngữ để phiên âm tiếng Ơ Đu. Nhiều người dân địa phương khẳng định trong lịch sử của đồng bào, chữ viết từng tồn tại nhưng đã thất truyền. Theo ông Tình, hiện tại ở bản Văng Môn này chỉ còn ông Lo Thanh Bình là người còn biết cả tiếng và chữ viết của dân tộc Ơ Đu.
Đau đáu về sự mất dần tiếng nói của cha ông, nhiều năm qua, ông Lo Thanh Bình dành thời gian nghiên cứu tài liệu, giáo án để củng cố, bổ sung vốn ngôn ngữ. Đồng thời luyện đọc có sự phát âm chuẩn tiếng nói của dân tộc mình. Đặc biệt, với mong muốn khôi phục lại tiếng nói của người Ơ Đu, bất cứ ai trong bản Văn Môn muốn học tiếng nói của người Ơ Đu, ông Lo Thanh Bình đều sẵn sàng truyền dạy miễn phí theo hình thức truyền khẩu.
Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết, trong những năm qua, các cấp, ngành đã chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu. Nhờ vậy, một số cá nhân đã và đang từng ngày gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những truyền thống văn hóa của dân tộc Ơ Đu. Đối với những người có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu, hằng năm, cấp ủy và chính quyền đều quan tâm, tuyên dương để ghi nhận, tôn vinh và khuyến khích họ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Ơ Đu.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Nga My, xã đặc biệt ưu tiên các hoạt động bảo tồn văn hóa tại bản Văng Môn. Hiện nay, các Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn đã tích hợp chương trình địa phương vào giảng dạy và giáo dục, trong đó có việc ưu tiên giảng dạy văn hóa dân tộc Ơ Đu.