Bảo tồn hai phổi sau mổ cắt bỏ bướu phế quản gốc trái ở trẻ 3 tuổi

20-07-2018 14:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 20/7/2018, BS. Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết, đây là một khối bướu hiếm gặp ở trẻ nhỏ, chỉ có 1 - 2 ca bướu trong lòng phế quản ở trẻ em được báo cáo trong y văn nước ngoài.

ThS. BS. Định Việt Hưng, khoa Ngoại Tổng hợp (BV Nhi Đồng 1) cho biết, trước đó, bệnh nhi nữ (3 tuổi, Bình Chánh) bị ho kéo dài 2 tuần, không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Trẻ nhập viện trong tình trạng viêm đường hô hấp. Kết quả chụp phim cho thấy dấu hiệu tắc nghẽn ở phổi, bị xẹp một phần phía trên phổi bên trái.

“Chẩn đoán ban đầu của chúng tôi là nghi ngờ nguyên nhân gây tắc có thể là do dị vật đường thở. Sau đó, bệnh nhi được tiến hành nội soi chẩn đoán, chúng tôi đã phát hiện ra trẻ bị khối u bướu nằm trong lòng phế quản,” BS. Hưng cho biết.

Kết quả sinh thiết xác định đây là một khối bướu nguyên bào sợi cơ viêm. Đây là một khối bướu tự sinh. Đặc điểm bướu này nằm trong nhóm giáp biên, ranh giới giữa bướu lành và ác tính. Tỷ lệ khoảng 0,2%  trong tổng các loại bướu trẻ em.

BV Nhi Đồng 1 đã phối hợp với BV Ung bướu và BV Phạm Ngọc Thạch để xem xét phương án điều trị: hoá, xạ trị trước hay phẫu thuật trước. Cuối cùng, các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 phối hợp BV Phạm Ngọc Thạch đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 đang mô tả lại trường hợp bướu nằm ở gốc phế quản trái hiếm gặp.

Nếu không phẫu thuật, bướu nằm trong lòng phế quản sẽ tiến triển ngày càng lớn hơn gây tắc nghẽn đường thở; nghiêm trọng hơn là gây xẹp phổi trái, khó phục hồi. Thậm chí, khối bướu này có thể lấn sang phần lá phổi phải và ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhi.

Hơn thế nữa, các bác sĩ phải cắt bỏ khối bướu trong thời gian ngắn nhất có thể, và phải bảo tồn phổi tốt nhất, tránh cắt bỏ phổi trái; vì nếu kiểm soát hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu oxy kéo dài, tổn thương các cơ quan khác như tim, não...

BS. Hà Văn Lượng, chuyên gia gây mê của BV Nhi Đồng 1, chia sẻ thêm, với một bệnh nhi 3 tuổi, việc kiểm soát hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật khó càng khó khi các phẫu thuật viên thực hiện các thao tác ở phổi. Làm sao kiểm soát được và tốt hô hấp?

“Ở trẻ lớn và người trưởng thành có dụng cụ hỗ trợ thở (nội khí quản) chuyên dụng 2 nòng, nhờ đó kiếm soát được lá phổi lành khi các phẫu thuật viên tiến hành làm xẹp phổi để thực hiện phẫu thuật cắt bướu và khâu nối.

Chúng tôi phải làm sao kiểm soát tốt phổi bên phải, và đã phải cân nhắc rất nhiều khi chọn lựa ống nội khí quản, vừa phù hợp với tuổi vừa có độ dài thích hợp. Ống quá dư sẽ đặt vào không được; còn ngắn quá sẽ dẫn đến khí và máu tràn vào lá phổi phải và không kiểm soát được hô hấp,” BS. Lượng mô tả thêm.

Khối bướu đã được lấy ra, có kích thước dài 2,5cm, chiếm trọn thùy trên và một phần thùy dưới phổi trái

Thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, tính luôn cả thời gian gây mê. Khối bướu có kích thước lớn thực tế chiếm một đoạn phế quản dài 2,5cm. Ở bé 3 tuổi, đoạn phế quản có kích thước 3,5 - 4cm. Hơn thế nữa, kích thước của bướu đã lớn, các bác sĩ ghi nhận một khối bướu nằm ở gốc phế quản trái, chèn ép trọn vẹn phần thùy trên và một phần thùy dưới của phổi trái.

Ca phẫu thuật đã thành công cắt bỏ đoạn phế quản bị khối bướu chiếm chỗ và thùy trên. Các bác sĩ vẫn bảo tồn được đoạn thùy dưới, nối vào phần phế quản còn tốt, bảo vệ phổi trái cho bệnh nhi.

Hiện nay, bệnh nhi có thể tự thở được. Bệnh nhi cần theo dõi hẹp sẹo chỗ nối và khối u tái phát, mặc dù tỷ lệ rất nhỏ vì các bác sĩ đã cắt bỏ trọn vẹn khối bướu nguyên bào sợi ở phổi này.

Các chuyên gia khuyến cáo, bướu ở trẻ em phát triển tương đối âm thầm, ít có triệu chứng. Nên nếu trẻ ho và sốt dài ngày, không bớt khi đã uống thuốc nên đưa trẻ đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị như CTScanner hoặc nội soi để sớm phát hiện các bất thường ở đường thở như dị vật hoặc khối bướu. Còn những khối bướu ở các nơi khác có thể gây chèn ép các tạng xung quanh, gây đau âm ỉ.


An Quý
Ý kiến của bạn