Tuy nhiên, nguồn dược liệu này đang dần cạn kiệt, do đó, bên cạnh việc khai thác hợp lý, người Dao xã Mẫu Sơn còn chủ động trồng và chăm sóc cây thuốc để bảo tồn, gìn giữ "kho báu" dược liệu này.
Quần thể núi Mẫu Sơn trải dài trên địa bàn 3 xã: xã Công Sơn, xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) và xã Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) với tổng diện tích khoảng 10.470 ha, gồm hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ khác nhau nằm ở độ cao 1.200m – 1.541m so với mực nước biển.
Quần thể này nằm theo hướng Đông - Tây chạy dài từ địa phận xã Cao Lâu - Xuất Lễ của huyện Cao Lộc và xã Hữu Khánh, Yên Khoái huyện Lộc Bình. Trong đó đỉnh Phia Pò (Núi Cha) và Phia Mê (Núi Mẹ) đã đi vào truyền thuyết và được nhiều người biết đến.
Mẫu Sơn có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm như: sâm thổ cao ly, xuyên khung, bạch chỉ... và cây thuốc làm men nấu rượu Mẫu Sơn thơm ngon, nổi tiếng...Chúng là những nguồn "hàng quý hiếm" nhưng thực tế cho thấy do tình trạng khai thác tràn lan dẫn đến nhiều loại cây dược liệu quý trên địa bàn xã Mẫu Sơn đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng như: lan kim tuyến, bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), kê huyết đằng…
Đơn cử như cây bảy lá một hoa, một loại dược liệu quý được dùng để chữa bệnh về đường hô hấp, tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư… trước đây thường dễ tìm thấy trên núi Mẫu Sơn nhưng những năm gần đây người dân rất khó có thể tìm được cây này.
Bà Hoàng Múi Nảy ở xã Mẫu Sơn là người am hiểu các loại thuốc quý và đã hành nghề bốc thuốc nam được hơn 30 năm. Từ những cây thuốc quý của núi Mẫu Sơn, bà đã chữa khỏi bệnh được cho nhiều người.
Trước thực trạng nguồn dược liệu đang dần cạn kiệt, khi lên núi tìm hái cây thuốc, bà Hoàng Múi Nảy luôn tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên trong gia đình và bà con xung quanh rằng chỉ thu hái các loại cây thuốc cần thiết, để lại những cây con chưa phát triển nhằm duy trì giống cây dược liệu.
Cùng với đó, đối với một số loại cây thuốc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, gia đình bà Hoàng Múi Nảy và các hộ người Dao khác trên địa bàn xã còn chủ động trồng và chăm sóc tại vườn nhà để bảo tồn các giống cây dược liệu quý hiếm này.
Cây "bèo nìm đòi" (gọi theo tiếng dân tộc Dao) dùng củ hấp cách thủy và dùng lá đun nước uống có tác dụng chữa các bệnh về tim mạch, loét dạ dày… Cây "xả" (gọi theo tiếng dân tộc Dao) được trồng tại vườn nhà với tác dụng chữa đau gan, thận và chữa cảm cúm.
Việc chủ động trồng thêm các cây dược liệu ngay tại vườn nhà giúp các thành viên trong gia đình bà Hoàng Múi Nảy tiết kiệm được nhiều thời gian để lên núi tìm hái một số loại cây thuốc.
Các loại cây thuốc sau khi được thu hái từ trên núi và ngay trong vườn nhà sẽ được bà Hoàng Múi Nảy và các thành viên trong gia đình chặt nhỏ, rửa sạch và đem phơi khô.
Tùy theo thời tiết mà các loại cây thuốc sẽ được rửa sạch, phơi dưới nắng từ 3 – 5 ngày để đảm bảo khô ráo, tránh ẩm mốc gây ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Từ các loại dược liệu trên, gia đình bà Hoàng Múi Nảy đã kết hợp thành nhiều bài thuốc hay như: đau nhức xương khớp, đau dạ dày, ho, cảm mạo, sốt… và được nhiều người bệnh tin tưởng tìm đến tận nơi để bốc thuốc.
Việc gìn giữ, bảo tồn các loại cây thuốc quý trên đỉnh Mẫu Sơn tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng còn giúp tăng thu nhập cho cho hộ bà Hoàng Múi Nảy nói riêng và các hộ làm nghề bốc thuốc nam nói chung trên địa bàn xã. Từ những cây dược liệu này, các ông lang, bà mế đã tạo thành nhiều bài thuốc dân gian hữu hiệu trong điều trị bệnh, mang lại thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Tin rằng, cùng với ý thức và sự chủ động của bà con nơi đây sẽ góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị của nguồn dược liệu quý cũng như việc phát triển nghề bốc thuốc nam này.
Được biết, thời gian qua, không chỉ người dân ở xã Mẫu Sơn mà người dân trên địa bàn huyện Lộc Bình đã chủ động phát triển các mô hình trồng cây dược liệu. Đến nay, các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn và bảo tồn nguồn giống cây dược liệu quý.
Người dân ở đây cho biết: Trước đây, trà hoa vàng chủ yếu mọc ở trong rừng, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với loại cây này ngày càng lớn, trong khi lượng cây ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức. Bởi vậy, vào khoảng năm 2013 một số hộ gia đình bắt đầu nhân giống trồng. Ban đầu, chỉ trồng thử nghiệm 200- 300 cây, thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt nên nhiều gia đình tiếp tục mở rộng trồng hàng nghìn cây. Hiện nay, diện tích này đã cho thu hoạch năm thứ tư, giá bán từ 600 đến 700 nghìn đồng/kg hoa tươi và 3,2 đến 3,3 triệu đồng/kg hoa khô. Trung bình mỗi năm, một gia đình thu được khoảng 2 đến 3 tấn, giá trị đạt trên 120 triệu đồng.
Nhận thấy các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế, người dân tại một số xã trên địa bàn huyện cũng bắt đầu đem về trồng. Một số hộ dân đã đưa các loài cây dược liệu như: trà hoa vàng, cát sâm về trồng đem lại thu nhập tốt cho người dân nơi đây.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 50 ha cây dược liệu gồm: trà hoa vàng, cát sâm, sa nhân…các mô hình trồng dược liệu cho thu nhập đạt từ 40 triệu đến trên 100 triệu đồng/năm (tuỳ theo quy mô diện tích) giúp bà con có thêm thu nhập và điều quan trọng là đã bảo tồn, gìn giữ "kho báu" dược liệu quý hiếm này.