Bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

04-06-2014 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Việt Nam là nước có nền y, dược cổ truyền lâu đời. Không những chúng ta có những thầy thuốc giỏi như Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV), đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (thế kỷ thứ XVIII)...

Việt Nam là nước có nền y, dược cổ truyền lâu đời. Không những chúng ta có những thầy thuốc giỏi như Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV), đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (thế kỷ thứ XVIII)..., chúng ta còn có nguồn dược liệu (bao gồm thực vật, động vật, khoáng vật) làm thuốc rất phong phú (hơn 3.800 loại thực vật, 406 loài động vật và gần 100 loại khoáng vật).

Suốt 60 năm qua, kiên trì thực hiện đường lối y tế phát triển y học dân tộc cổ truyền, kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã thừa kế và bảo tồn được nền y dược cổ truyền không bị mai một. Chúng ta đã đưa y học cổ truyền trở lại hệ thống y tế Nhà nước và xây dựng được màng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ Trung ương đến tận trạm y tế xã, phường, thị trấn. Dược liệu, thuốc y học cổ truyền đã được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu, đồng thời cũng được đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán. Điều đó đã tạo điều kiện cho người bệnh được hưởng dịch vụ chăm sóc bằng y học cổ truyền thuận tiện và toàn diện, hiệu quả hơn. Đây cũng là những bước phát triển nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu mà Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển của Chính phủ về y dược cổ truyền đến năm 2020 đã đề ra.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Y học cổ truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Y học cổ truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”.

Việc phát triển y dược cổ truyền đang có nhiều thuận lợi: được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện đầu tư phát triển; chúng ta có đội ngũ thầy thuốc y học cổ truyền vừa có y đạo, y đức và y thuật. Trên cơ sở giỏi về y học cổ truyền, lại kết hợp được những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại nên chất lượng điều trị ngày một nâng cao, người bệnh tin tưởng và tìm đến để được chăm sóc bằng y học cổ truyền ngày càng nhiều...

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn thách thức đó là số loài dược liệu (thực vật, động vật hoang dã) đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước thực tế nhiều loài động, thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng nhiều, các nước trên thế giới đã cùng nhau tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (còn gọi là Công ước Cites). Năm 1994, Việt Nam là nước thứ 121 tham gia công ước. Để thực hiện công ước này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị định, chỉ thị chỉ đạo các bộ, ban, ngành cùng ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải có trách nhiệm thực hiện.

Ngày 7/5/2014, tại Hà Nội và ngày 16/5/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Dự án tổ chức Traffic quốc tế tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo y dược cổ truyền chung tay bảo vệ loài tê giác”. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các thầy thuốc cùng các phóng viên báo chí. Các đại biểu tham dự hội thảo đã nhất trí: Tê giác tuy là vị thuốc được ghi trong sách cổ của y học cổ truyền, tuy nhiên nó không phải là thần dược. Vị tê giác có thể thay thế được bằng các dược liệu trồng hoặc vật nuôi có tác dụng dược lý tương đương, phù hợp từng mục đích sử dụng. Đặc biệt các chuyên gia y học cổ truyền và các nhà khoa học cũng khẳng định chưa có bằng chứng khoa học rằng sừng tê giác có thể chữa được ung thư, chữa được đái tháo đường hay chữa suy giảm sinh dục nam. Tê giác là loại động vật được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam, là loài động vật cực kỳ nguy cấp cần bảo vệ, nếu ai có hành vi săn bắt, buôn bán, sử dụng bất hợp pháp sẽ là vi phạm pháp luật.

Ngày 20/5/2014, tại Hà Nội, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Hội thảo “Y dược cổ truyền tham gia bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất cao chủ trương và đường lối tăng cường kiểm soát, bảo tồn động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm mà Chính phủ đã chỉ đạo. Các đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông tới mọi đối tượng và nội dung tuyên truyền phải tùy thuộc đối tượng được tuyên truyền thì hiệu quả mới cao. Để góp phần duy trì và phát triển nền y dược cổ truyền cũng như góp phần thực hiện việc bảo tồn động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, chúng ta cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tìm ra những vật nuôi, cây trồng thay thế cho động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức triển khai tốt Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nói riêng được thực thi một cách nghiêm túc.

Đây là những hoạt động thiết thực triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.     

Nguyễn Hoàng Sơn (Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế)

 


Ý kiến của bạn