Đây là nỗi niềm của các nhà nghiên cứu văn hóa khi họ bày tỏ về vấn đề gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, trong đó có Đờn ca tài tử - loại hình âm nhạc đặc trưng của người dân miền Tây Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đừng để biến chất
Đối với những người trực tiếp giảng dạy Đờn ca tài tử, việc bộ môn nghệ thuật này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chưa hẳn là một tín hiệu vui, bởi bản thân họ phải tự đặt ra trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nó một cách đúng đắn. Nói cách khác, họ phải làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử chứ không phải bảo tồn để rồi đưa vào bảo tàng.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất quan điểm, để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử, điều quan trọng nhất là đừng để loại hình nghệ thuật này bị biến chất. Đờn ca tài tử trước đây chỉ là môn nghệ thuật giải trí trong gia đình, làng, xóm nên giàu bản sắc. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, Đờn ca tài tử đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, phát triển và mở rộng để kích cầu du lịch thì sợ biến chất, gìn giữ bản sắc vốn có thì lo mai một...
Hiện tại, những nghệ nhân Đờn ca tài tử về mặt bài bản đã tốt, có những câu lạc bộ, người chơi ngồi rất nghiêm túc, chăm chỉ, trúng nhịp, trúng giọng nhưng thiếu tính ngẫu hứng, trao đổi tự nhiên, vì thế làm mất nét đặc thù của nghệ thuật này. Để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử, tỉnh Cà Mau ý thực việc gắn kết các câu lạc bộ và trường lớp, cũng như có một bộ tiêu chuẩn để chọn lọc những nghệ nhân Đờn ca tài tử thật sự có tài, có tâm.
Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng nhiều năm qua vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, in ấn và phát hành nhiều tài liệu, tư liệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử cho các câu lạc bộ, góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân.
Phát huy sức mạnh tập thể
Tuy cơ sở vật chất đảm bảo cho sinh hoạt của các câu lạc bộ Đờn ca tài tử còn hạn chế, điểm sinh hoạt chủ yếu của các câu lạc bộ vẫn là tại gia đình các thành viên, chưa tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ định kỳ tại cơ sở để các câu lạc bộ Đờn ca tài tử có điều kiện phối hợp phục vụ. Kèm theo đó là hàng loạt khó khăn do điều kiện kinh tế eo hẹp...Nhưng càng khó khăn, người trong cuộc càng nỗ lực hơn trong việc gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ giải "Hoa sen vàng" diễn ra tại TP.HCM vào ngày 11/7 năm nay là kết quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi của những nghệ sĩ đam mê Đờn ca tài tử.
Có thể nói, để giữ gìn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, những người có trách nhiệm cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật này.
Việt Sơn