Bào thai cũng là bệnh nhân, không thể chờ vào may rủi - Động lực để bác sĩ chinh phục những đỉnh cao y học

26-02-2022 09:44 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Y học bào thai là kỹ thuật cao nhất trong sản khoa không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công duy nhất ở Việt Nam can thiệp bào thai để trao cơ hội được sống khoẻ mạnh cho những em bé từ khi chưa chào đời…

NÂNG TẦM Y TẾ VIỆT NAM GIỮA MUÔN TRÙNG GIAN KHÓ (4)

Không từ bỏ hi vọng dù chỉ vài phần trăm 

Từng mang song thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị sảy, lần thứ 2 này, chị N.T.Y (31 tuổi) tiếp tục mang song thai, chị giữ gìn rất cẩn thận. Tuy nhiên tới tuần thai thứ 8, bác sĩ phát hiện một trong hai thai của chị bị lưu.

Tuần 22 tới khám, thai nhi còn lại vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên sau đó một ngày, chị cảm nhận thai nhi ít đạp. Siêu âm cho thấy thai nhi đã cạn ối.

Một cơ sở y tế nói với chị là không có khả năng cứu em bé. Nhưng niềm khát khao có con suốt 6 năm trời khiến người mẹ trẻ tìm mọi cách để giữ lấy đứa con này. Chị không còn phôi nào nữa. 

Vợ chồng người phụ nữ quê Yên Bái tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vì nghe viện này có thể can thiệp từ trong bào thai, hi vọng cứu được con mình. Đến viện, bác sĩ siêu âm cho thấy thai nhi đã cạn sạch ối, không còn khả năng nuôi thai 23 tuần.

TS.BS Nguyễn Thị Sim – phụ trách Trung tâm Can thiệp bào thai thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết, qua thăm khám, bác sĩ phát hiện thai nhi đang ở tuần 23 đã cạn sạch ối, siêu âm doppler thấy dòng máu trong động mạch rốn đảo ngược, nguy cơ thai lưu rất cao.

Ngay lập tức, thai phụ được chỉ định truyền ối. Tình trạng sức khỏe chị Y. ổn định, được theo dõi tại viện 2 tuần và sinh con ở tuần 36. Em bé 2,2kg chào đời khoẻ mạnh trong niềm hạnh phúc của bác sĩ và gia đình.

Trường hợp khác, ở tuần 24 của thai kỳ, chị V.A (21 tuổi, quê Phú Thọ) có dấu hiệu đau bụng dữ dội, vỡ ối, khi đó bào thai mới chỉ có 600g. Qua hai lần đi khám, một lần tại cơ sở y tế gần nhà, một lần tại một bệnh viện quốc tế, cô gái trẻ gần như suy sụp khi đều nhận chỉ định đình chỉ thai vì đã hết sạch nước ối, không truyền ối được và chẩn đoán thai bất thường.

Bào thai cũng là bệnh nhân – không thể chờ vào may rủi, đánh cược tính mạng thai nhi - Ảnh 1.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai trong buồng ối. Ảnh: BVCC

Không từ bỏ hy vọng, gia đình V.A tìm tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bác sĩ nghĩ đến trường hợp bệnh nhân bị vỡ tử cung gây hết nước ối chứ không phải vỡ ối như các ca bệnh thông thường. Ngay lập tức, thai phụ trẻ được hội chẩn ban giám đốc để truyền ối cứu thai dù chỉ vài phần trăm hi vọng.

Tuy nhiên, sau khi được truyền ối lần 1, tình trạng nước ối lại cạn kiệt. Khẳng định đây là ca vỡ tử cung, thai nhi vẫn phát triển bình thường, cộng với sức khoẻ của V.A rất tốt nên các bác sĩ và gia đình quyết tâm truyền ối lần 2. Chị cũng được dùng thuốc tốt nhất để tử cung không co, hạn chế nhiễm trùng…

Bằng sự quyết tâm và tinh thần không ngại khó, các Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã  lựa chọn phương án điều trị chưa từng có trong y văn, và những phương pháp hiện đại nhất ấy đã giúp thai nhi như hồi sinh. 6 tuần sau, cân nặng thai nhi từ 600g đã tăng lên 1.500g, chị V.A bước vào cuộc mổ đẻ ở tuần thai thứ 31. Bé trai khỏe mạnh, hồng hào chào đời. Sau khi lấy thai, vết vỡ ở đáy tử cung dài hơn 2cm đã được khâu lại.

Hơn 2 năm qua, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chỉ định truyền ối giữ thai, can thiệp y học bào thai và mổ lấy con thành công cho hơn 100 trường hợp

Không giấu được niềm tự hào, xúc động khi đây là ca đặc biệt, chưa từng xuất hiện trong y văn thế giới, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện - cho hay sản phụ V.A có lỗ thủng trên tử cung dị dạng. Trước đây, lập tức chúng ta phải mổ để khâu tử cung cho mẹ, chấp nhận mất thai hoặc phải cắt tử cung. Trường hợp này, nếu người mẹ phải khâu lại tử cung thì lần sau sẽ lại vỡ tiếp, mãi mãi không bao giờ có con.

"Nhưng chúng ta đã mang lại cơ hội cho sản phụ ngay từ đứa bé đầu tiên này nhờ can thiệp y học bào thai", BS Ánh tự hào nói.

Đó là hai trong rất nhiều câu chuyện cảm động về những lần bác sĩ quyết định chữa bệnh cho bào thai vẫn được những người mẹ kể đi, kể lại với niềm hạnh phúc khôn tả...

Bào thai cũng là bệnh nhân – không thể chờ vào may rủi

Tại Việt Nam, trước đây, những thai phụ mắc các bệnh lý về bào thai như: Hội chứng Truyền máu song thai; Hội chứng dải xơ buồng ối, Thai chậm tăng trưởng; Song thai không tim; Tràn dịch màng phổi; Thiểu ối; Đa ối, Thiếu máu bào thai... phải chấp nhận hoặc thai nhi tử vong hoặc trẻ sinh ra với những dị tật, thiểu năng trí tuệ.

Tuy nhiên, hiện nay, với thành công của kỹ thuật mới can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tự hào bước đầu đã cứu chữa thành công, giúp hàng trăm trẻ nhỏ chào đời mạnh khỏe.

Với quan niệm bào thai cũng chính là một bệnh nhân và phải điều trị khi có vấn đề bệnh lý, Bệnh viện này đã đề xuất Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và laser quang động điều trị can thiệp trong buồng ối nhằm tăng cơ hội được cứu sống, điều trị cho các thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.

Bào thai cũng là bệnh nhân – không thể chờ vào may rủi, đánh cược tính mạng thai nhi - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - người tiên phong đưa kỹ thuật can thiệp bào thai về Việt Nam - siêu âm cho thai phụ. Ảnh: BVCC

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - người tiên phong đưa kỹ thuật này về Việt Nam - cho biết: Để được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai ứng dụng kỹ thuật mới can thiệp bào thai, Bệnh viện đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

5 năm trước, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cử kíp bác sĩ sang Bệnh viện Necker - Trung tâm Y học bào thai lớn nhất của Pháp, để tiếp thu học hỏi kỹ thuật này. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, bệnh viện còn mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, nâng cấp phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, có thể thực hiện các ca mổ khó, phức tạp nhất về sản khoa…

Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được 6/8 kỹ thuật lớn liên quan đến can thiệp bào thai. 2 kỹ thuật còn lại sẽ được các chuyên gia tại đây sớm tiếp cận để mang lại cơ hội cho nhiều gia đình.

Đây cũng là cơ sở y tế công đầu tiên thành lập Trung tâm Can thiệp bào thai vào đầu năm 2022 này.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết thêm, với kỹ thuật can thiệp bào thai có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi…

Theo vị chuyên gia này, với tỷ lệ sinh cao, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 41.000 trẻ mắc dị tật, trong đó, số trẻ mắc dị tật nặng khoảng 20.000, đồng nghĩa với hàng chục nghìn đứa trẻ không thể chào đời hoặc chào đời lành lặn, khoẻ mạnh. Điều này làm cho không chỉ gia đình mà chính đứa trẻ đó khổ cả cuộc đời, trở thành gánh nặng của xã hội.

"Nếu trước đây, bệnh nhân chỉ biết chờ vào may rủi, đánh cược tính mạng của thai nhi, hiện nay, chúng ta có thể cứu được tới 90% em bé từ trong bụng mẹ"
– PGS.TS Nguyễn Duy Ánh.

"Nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường. Khi đó, tỷ lệ trẻ tật nguyền, di chứng bào thai giảm rõ rệt trong cộng đồng dân cư", PGS.TS.TTND Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Đánh giá can thiệp bào thai là kỹ thuật cao nhất trong chuyên ngành sản phụ khoa và chỉ được thực hiện ở các nước tiên tiến, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, giờ đây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công kỹ thuật khó này. Điều đó khẳng định rằng, bệnh viện đã tiệm cận ngang tầm quốc tế.


Quỳnh An
Ý kiến của bạn