Bảo tàng 72 tỷ đồng xây dở dang rồi bỏ hoang, trong khi đó hàng chục nghìn cổ vật, hiện vật quý giá của bảo tàng không có nơi trưng bày và đang xuống cấp từng ngày. Đó là thực trạng tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Đáng buồn thay, nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nhưng có lẽ do đây là dự án dùng tiền “ngân sách” nên ngành chức năng tỉnh Yên Bái coi đó là “chuyện nhỏ” nên không quan tâm, khắc phục.
Bảo tàng tỉnh Yên Bái được thành lập từ năm 1978, lưu giữ một lượng lớn cổ vật, hiện vật có giá trị lớn về lịch sử văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở hạ tầng để trưng bày nên các cổ vật, hiện vật phải cất trong kho chứa tạm bợ. Mỗi khi có sự kiện lớn, các cán bộ Bảo tàng Yên Bái lại phải gói ghém hiện vật mang đi triển lãm lưu động, sau đó lại mang về kho cất giữ rất khó khăn.
Nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái có mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng sau 5 năm xây dựng vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời với mong muốn có nơi trưng bày, quảng bá những hiện vật cũng như những giá trị lịch sử văn hóa của các hiện vật, năm 2009, Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư đã tiến hành khởi công xây mới Bảo tàng tỉnh Yên Bái với mức đầu tư lên tới hơn 72,6 tỷ đồng.
Sau 2 năm thi công, đến năm 2011, khi công trình nhà bảo tàng đã hoàn thiện phần thô thì bỗng dưng công trình bị dừng thi công. Cũng từ đó, khu nhà bảo tàng bị bỏ hoang không người chăm sóc, bảo vệ. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay toàn bộ khu nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục công trình trong đó có dấu hiệu xuống cấp. Từ “cái sảy nảy cái ung”, việc Bảo tàng Yên Bái bỏ hoang lại trở thành nơi đổ rác của người dân xung quanh và địa điểm lý tưởng để các đối tượng xấu tụ tập hút chích, mua bán ma túy. Theo các hộ dân xung quanh phản ánh, các con nghiện ma túy thường xuyên tụ tập tại nhà bảo tàng bỏ hoang khiến tình hình an ninh quanh khu vực trở nên phức tạp, nạn trộm cắp cũng thường xuyên xảy ra hơn. Theo ông Trần Xuân Ca, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, một nguyên nhân khiến công trình dang dở rồi bỏ hoang có thể là do khi đang thi công thì chủ đầu tư hết vốn. Còn bản thân bảo tàng tỉnh không được tham gia quá trình thi công nên cũng không biết đến bao giờ công trình mới tiếp tục được thi công.
Theo thống kê, hiện Bảo tàng Yên Bái đang lưu giữ hơn 20.000 cổ vật, hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập những hiện vật quý giá từ thời đồ đá cũ cách đây khoảng 13.000 năm hay sưu tập từ hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí cách đây khoảng 5.000 năm..., bộ sưu tập văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.000 năm...
Trong khi nhà bảo tàng mới bỏ hoang thì kho chứa của bảo tàng cũ hiện nay rất tạm bợ, không có thiết bị chuyên dụng để bảo quản hiện vật nên những hiện vật hiện có đã có dấu hiệu xuống cấp nhanh. Theo quan sát của chúng tôi, cách bảo quản hiện vật của bảo tàng Yên Bái hiện nay là rất sơ sài, hàng nghìn hiện vật xếp tràn lan trên sàn nhà, chậu nhựa, rọ tre. Khu kho chứa hiện vật ẩm thấp, hệ thống bảo vệ cũng đơn giản nên dễ bị mất cắp. Điển hình, gần đây Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã từng bị mất nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có 1 chiếc thạp đồng rất quý, là biểu tượng của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc. May mắn thay, sau đó lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai triệt phá một vụ buôn bán cổ vật và phát hiện chiếc thạp đồng đó nên trả lại cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái tiếp tục lưu giữ.
Thiết nghĩ, việc Bảo tàng tỉnh Yên Bái bỏ hoang không chỉ gây ra sự lãng phí lớn mà còn làm nhếch nhác bộ mặt thành phố Yên Bái. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái sớm khắc phục và đưa vào sử dụng để tránh lãng phí cũng như góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh Yên Bái đến đông đảo nhân dân.
Bài, ảnh: Hoàng Anh