Ðể có được không gian này, cô giáo Ngô Thị Khiếu đã phải mất nhiều thời gian sưu tầm, xây dựng và bài trí để mỗi du khách đều cảm thấy sống lại ký ức một thời.
Từ ý tưởng vì thế hệ sau
Đầu làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định), Bảo tàng Đồng quê là địa chỉ quen thuộc từ chục năm qua đối với du khách gần xa. Hôm chúng tôi vượt đường sá xa xôi đến thăm cũng là lúc đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh vừa bước vào không gian dân dã và mộc mạc này. Bác Nguyễn Văn Ân - giáo viên đã nghỉ hưu cựu thanh niên xung phong trong đoàn khách phương xa bảo rằng, ông nghe nói đến không gian này từ lâu, cũng rất nể tâm huyết của cô giáo Ngô Thị Khiếu nên tìm dịp đưa các cháu về thăm. “Tận mắt chiêm ngưỡng, càng thấm sâu tinh thần của cô Khiếu cũng như sự dày công của bà. Tôi vô cùng ngạc nhiên, không gian này gợi rất nhiều về cuộc sống xưa kia mà giới trẻ không thể hình dung nổi”, bác Ân tâm sự.
Du khách thăm khu trưng bày nông cụ.
Chẳng phải đợi lâu, chúng tôi đã được gặp bà Ngô Thị Khiếu - giáo viên đã nghỉ hưu, chủ nhân của Bảo tàng Đồng quê. Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói thanh thoát và cũng là người có thể nói tường tận về những món hiện vật được lưu giữ. Từ cách nói, cách nghĩ cho đến việc làm, bà đều thể hiện sự nhiệt thành và quyết tâm. Qua tâm sự, bà Khiếu cho biết ý định ban đầu chỉ mong gìn giữ đồ. Chỉ là được sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, trong quá trình đi công tác, bà thấy nhiều đồ dùng trong đời sống thường nhật người dân đồng bằng Bắc Bộ bị vứt lăn lóc, có nhiều món bị người thu mua đồng nát đến mua với giá rất rẻ và được… tái chế. “Từ năm 1990, tôi thấy cần phải lưu giữ lại, món thì xin, món thì mua để cho con và các cháu biết được trên đời có những thứ đồ như vậy. Đó thật sự là những món đồ cùng trải qua một nắng hai sương với người nông dân. Càng làm thì càng say, tôi càng nghĩ nếu không lưu giữ thêm thì nhiều món đồ sẽ không bao giờ còn”, cô Khiếu bộc bạch.
Cũng thời gian đó, bà nhận thấy ở Giao Thịnh còn thiếu sách báo phục vụ bà con và học sinh. Bà đã đề nghị được mua một mảnh đất để xây dựng nên một thư viện nhỏ, trưng bày đồ sưu tầm được, lưu giữ sách báo phục vụ nhân dân. Hiểu được tấm lòng của cô giáo Khiếu, chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ, nhiều người có đồ vật dân dã như các loại gầu tát nước, cối giã gạo, các loại chổi, mâm đồng, mâm gỗ, giậm, nơm… đều mang đến góp. Nhiều người còn nhắn nhủ: “Bà giáo muốn giữ đồ cho thế hệ sau, chúng tôi cũng phải góp sức vì chính thế hệ con cháu chúng tôi. Vì sẽ có nhiều đứa mải mê đi làm ăn mà không hiểu được cội nguồn”. Nhờ vậy, những món đồ của bà Khiếu ngày một nhiều thêm cùng với tâm huyết và sự cộng tác của đông đảo nhân dân, nhà hảo tâm.
Trong khuôn viên bảo tàng.
Ðến bảo tàng độc đáo
Càng sưu tầm, tìm hiểu qua sách báo, bà Khiếu càng thấm sâu hơn giá trị của những món đồ vật mà nhiều món đồ từng được sử dụng. Bà cho biết: “Vì thế, nếu chỉ làm một phòng trưng bày nhỏ như là kỷ niệm thôi thì cũng phí quá, không đủ để giới thiệu cho đông đảo nhân dân. Tôi quyết định lập bảo tàng”.
Từ ý định đến quyết tâm, bà đã được chồng mình là nhà giáo Hoàng Kiền và chính quyền địa phương ủng hộ. Với dự án mang giá trị nhân văn, UBND huyện Giao Thủy, xã Giao Thịnh ủng hộ và quyết định cho thuê 6000m2 đất trong 30 năm để bà Khiếu xây dựng bảo tàng. Song, để có các hạng mục công trình, bà phải tham khảo thêm ý kiến của một số nhà sử học. Tất thảy đều được làm và bài trí kỳ công. Vì vậy, bất cứ ai đến tham quan bảo tàng được khánh thành chính thức từ đầu năm 2012 đều không khỏi ngạc nhiên về các hạng mục công trình đa đạng. Có thể kể đến điểm nhấn khuôn viên bên ngoài, chính là 5 khu nhà chính. Thứ nhất là nhà tranh vách đất của tầng lớp bần nông, có gian bếp truyền thống nhỏ thấp. Thứ hai là kiểu nhà trung nông gồm nhà chính và một nhà ngang, phía trước có sân gạch, có mảnh vườn nhỏ, có cổng và hàng rào bằng cây duối, cây dâm bụt. Trong nhà trung nông có chỗ nấu rượu, nơi đặt bồ thóc, khung dệt vải, cối xay… Kiểu thứ ba là nhà của địa chủ có nền cao, tường xây, mái ngói Tây, bày sập gụ, tủ chè, giường lớn, có sân phơi rộng, thóc đầy bồ, ngô đầy hòm.
Tiếp đó là khu vực nhà kiểu mới, còn gọi là nhà Cát Tường - đặc trưng của người dân vùng ven biển Nam Định. Bên trong có quạt trần, tivi, tủ lạnh cùng những món đồ phổ biến cho sinh hoạt trong đời sống hiện nay.
Kiểu thứ năm chính là nhà lớn 4 tầng ở vị trí chính của khuôn viên bảo tàng, phía trước có hồ rộng dùng làm bảo tàng thư viện. Tầng một trưng bày các hiện vật chiến tranh. Tầng hai tiếp tục trưng bày đa dạng các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt và nông cụ (chất liệu gỗ, tre nứa) gắn bó với người nông dân từ xưa tới nay. Tầng ba trưng bày các loại kỷ vật, nông cụ, đồ sinh hoạt (chất liệu kim loại, thủy tinh và tiền). Trong đó có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hai ki-lô-gam tiền giấy Đông Dương, hơn một tạ tiền xu các loại… Tầng bốn là thư viện đọc sách, báo miễn phí và là nơi trao đổi, hội thảo của du khách và các nhà nghiên cứu đến thăm. Điều đặc biệt, bảo tàng mở cửa phục vụ miễn phí.
Khách tham quan mô hình nhà giàn.
Niềm vui nhân đôi
Để có được địa chỉ mỗi năm đón hàng trăm lượt khách đến thăm, bà giáo Ngô Thị Khiếu đã vượt qua mọi trở ngại, áp lực. Theo bà cũng như không ít nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng việc sưu tầm, xây dựng đã khó, việc “nuôi” cho bảo tàng sức sống cũng là một thử thách. Bởi vậy, bà đã phải cậy nhờ chồng, các con, các nhà hảo tâm để có nguồn quỹ trả lương cho những nhân viên làm việc tại đây, hơn thế phải là những người có trình độ chuyên môn về ngành bảo tàng. Du khách Trần Văn Nên tâm sự: “Cái được của không gian bảo tàng là đến đây mọi người thấy gần gũi. Từ ao nuôi cá thì có chiếc vó, khuôn viên bảo tàng còn tạo được một cánh đồng, rồi hệ thống nhà, tường rào cây, giàn mướp, tất cả đều rất gợi mở và nhiều người được hồi tưởng lại quá khứ”.
Quý tấm lòng bà Khiếu, GS. Vũ Khiêu đã tặng cho bà đôi câu đối: Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/Để cho con cháu mãi ngàn sau. Những lời khen tặng ấy là niềm vui, nguồn động viên lớn giúp bà Khiếu có thêm động lực để tiếp tục sưu tầm, gìn giữ làm đa dạng thêm các hiện vật, giá trị của một bảo tàng đã tái hiện khá rõ nét nền văn minh lúa nước. Bà tâm sự thêm rằng, niềm vui của bà được nhân đôi vì sự mến mộ của khách xa đến tham quan ngày một đông, nhất là có nhiều trường học đặt lịch đưa học sinh về tìm hiểu.