Thiếu, yếu đủ đường
COVID-19 khiến các BT ở nước ta phải đóng cửa hơn 2 tháng, đến gần đây dịch bệnh được kiểm soát, các BT đón khách trở lại nhưng vẫn thưa thớt người xem. Trên thực tế không có dịch bệnh, các BT đã đìu hiu. Điển hình là BT Hà Nội với diện tích 54.000m2, vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng nhưng có lượng khách tham quan giảm theo thời gian, thậm chí đếm được trên đầu ngón tay. 10 năm đi vào hoạt động nhưng BT Hà Nội mới xong phần “xác”. Vì thế mới đây, BT Hà Nội thông báo tạm dừng đón khách để hoàn thiện phần “hồn” - thi công trưng bày thường xuyên, dự kiến cuối năm 2021 BT Hà Nội mở cửa trở lại.
Bảo tàng Hà Nội vừa dừng đón khách để hoàn thiện phần “hồn”, dự kiến mở cửa trở lại vào cuối 2021.
Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, BT công lập ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hầu hết BT ở Việt Nam thuộc loại hình lịch sử xã hội, còn quá ít các BT lịch sử tự nhiên, BT chuyên ngành về khoa học kỹ thuật. Nhiều phần nội dung trưng bày trùng lặp giữa các BT đã làm cho hệ thống BT trở nên đơn điệu. Bên cạnh đó, hiện vật trưng bày trong các BT chưa phong phú, nội dung trưng bày chưa đảm bảo sự khoa học, hấp dẫn... Nhiều BT trưng bày quá nhiều bản sao và tài liệu khoa học phụ mang tính chất minh họa về lịch sử, văn hóa một cách giản đơn, khiến nội dung trưng bày của BT chưa thực sự hấp dẫn.
Giữa BT và du lịch vẫn chưa tạo lập được sự gắn kết thường xuyên, hiệu quả để mở rộng khả năng quảng bá hình ảnh của các địa phương và đất nước với các du khách để tăng thêm nguồn thu nhằm đầu tư trở lại cho hoạt động BT và phát triển du lịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành chưa có phương thức giới thiệu BT trong tour của mình một cách đầy đủ dù BT luôn là điểm đến được các tour quốc tế coi trọng. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia và cán bộ giỏi về chuyên môn BT còn thiếu và yếu, xã hội hóa hoạt động BT chưa được đẩy mạnh...
Để BT là chính mình
Tuy còn nhiều “bệnh” kể trên nhưng không thể phủ nhận, thông qua công tác trưng bày và giáo dục, các BT đã giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. BT trở thành nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử của dân tộc Việt Nam, là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hóa của công chúng. Trong những năm gần đây, một số BT đã bước đầu đổi mới trưng bày các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật (màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D,...) để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày. Một số BT trở thành điểm đến với du khách trong và ngoài nước như BT: Hồ Chí Minh, Lịch sử quốc gia, Lịch sử Quân sự Việt Nam, Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Chứng tích chiến tranh, Dân tộc học Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam...
Trong đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, Bộ VH-TT&DL đặt ra mục tiêu đến năm 2021, các BT được đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Để làm được điều này, theo Bộ VH-TT&DL, các BT cần đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa. Bên cạnh đó, đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng công chúng. Các BT cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội. Cùng với đó đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực BT... Nếu làm được những điều này, các BT sẽ trở thành trung tâm giáo dục về truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, là lựa chọn ưu tiên trong những hình thức vui chơi giải trí. Nếu thực sự đổi mới, BT Việt đủ sức hấp dẫn, thu hút công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.